Người trồng quế ở Quảng Nam rất phấn khởi vì quế được giá so với mọi năm. Điều đó khiến nhiều người tiếc nuối là do những năm trước quế rớt giá nên bà con đã chặt phá, trồng cây khác, diện tích hiện tại không được như xưa. Đây cũng là nỗi niềm lo lắng quanh năm của người nông dân, nuôi con gì, trồng cây gì để có đầu ra vững bền cho thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Đình Anh đang lột vỏ quế.
Quế được mùa, được giá
Thời điểm này, tại huyện Tiên Phước Quảng Nam, những con đường dẫn vào các thôn, xã đâu đâu cũng thơm ngát mùi hương quế. Từ 5 giờ sáng trong các khu vườn quế đã nghe tiếng cười nói của các nhân công lột vỏ quế, báo hiệu một mùa quế bội thu đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân miền núi.
Dẫn chúng tôi lên khu vườn quế 120 cây đã gần 30 năm tuổi trên núi cao, ông Nguyễn Kim Bằng (65 tuổi), trú thôn 3, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước nói: “Gia đình tôi bỏ ra hơn 80 triệu đồng để mua 2 sào quế này. Năm nay quế được giá, tôi đã bảo các con trong gia đình ra khai thác. Sau đó chúng tôi sẽ đem về nhà phơi nắng khi khô ráo bán lại cho các thương lái. Rất mừng là năm nay giá quế tăng cao 37 nghìn đồng/1kg khô, rất có lợi cho người trồng quế”.
Theo nhiều bà con trồng quế, không chỉ quế vỏ mà cả các lá quế, cành, nhánh quế cũng bán được cho các thương lái với giá tương đối hợp lý, còn thân cây quế lột xong cũng được đón bán củi cho họ. Việc khai thác quế đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người nơi đây. 1 sào quế khai thác xong bán được khoảng 750 triệu đồng. Tính tất cả cành, nhánh, lá, thân có thể thu trên 100 triệu đồng/sao quế”.
Không chỉ chủ vườn quế có thu nhập cao mà những nhân công hành nghề lột quế cũng đạt được thu nhập khá trên ngày công. Ông Nguyễn Thanh Phước (42 tuổi), trú thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, lên huyện Tiên Phước làm nhân công lột vỏ quế cho biết: “Mờ sáng tôi đã dậy sớm mang theo dụng cụ như bao, thang và liềm… để hành nghề lột vỏ quế. Muốn lột vỏ quế đẹp phải trèo lên giữa thân cây quế lột xuống. Sau đó, mới tận thu các cành, nhánh quế. Việc lột vỏ quế tuy rất vất vả, mệt vì hơi nóng quế thoát ra và cộng với côn trùng sâu, kiến gây ngứa rất khó chịu, nhưng bù lại rất chạy ngày công gần 300.000 đồng/ngày nên cũng có thu nhập lo cho gia đình”.
Hiện giá quế vỏ 37 nghìn đồng/1kg khô; cành, nhánh quế 16 nghìn đồng/1kg và lá quế giá 6 nghìn/1kg. Mức giá quế này cao hơn 10 đến 15 nghìn đồng/kg so với vài năm trước. Trung bình mỗi sào quế thu hoạch được trên 20 kg quế khô. Còn 1 tạ quế tươi đem phơi nắng khi đã khô còn lại khoảng 40 kg quế khô, tương đương với thu hoạch 2 sào quế. Hiện nay với khoảng 5.000 ha quế còn lại ở địa bàn tỉnh Quảng Nam với giá bán thời điểm này thì đem lại nguồn thu nhập cho mỗi địa phương không hề nhỏ.
Được giá vẫn nhiều trăn trở
Khi quế được giá người trồng quế bên cạnh vui mừng thì còn tiếc nuối diện tích quế mà mình đã chặt bỏ để trồng cây khác. Có nhiều nguyên nhân khiến diện tích quế bị giảm đi, như thời gian trồng chăm sóc đến khi khai thác quế rất lâu, từ 15 đến 20 năm mới khai thác được, do đó bà con không mặn mà mở rộng diện tích.
Có một số diện tích quế trồng lấy giống từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào do không phù hợp với thổ nhưỡng dần dần bị triệt tiêu. Ngoài ra thời tiết những năm qua cũng vô cùng khắc nghiệt khiến quế khó phát triển. Còn một nguyên nhân chính nữa, đó là do bí đầu ra, giá cả thất thường khiến người trồng quế nản lòng.
Quế Trà My từng được mệnh danh là “cao sơn độc quế” đã từng có thời kỳ “đế vương”, thế nhưng dù “cao sơn độc quế” có lúc cũng ế đến đắng lòng không có người mua. Nếu như vùng quế ở Trà My nơi quế có giá trị cao hơn so với các địa phương khác.
Chính quyền địa phương đã chú trọng phát triển cây quế. Lấy nó làm hướng xóa đói, giảm nghèo vươn lến giàu có cho người dân ở các vùng cao. Có thời điểm Trà My đã phát triển trên 1.000 ha quế. Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 200 tấn đến 400 tấn.
Giống quế Trà My cũng đã được mở rộng, nhân trồng tại các huyện có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và địa hình tương đồng khu vực Trà My như huyện Tiên Phước, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức,… Thế nhưng rồi bí đầu ra, giá cả thật thương, diện tích quế bắt đầu giảm dần.
Hiện nay toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng trên 5.000ha quế. Trong đó ở Nam Trà My có khoảng 800ha với khoảng 2 triệu cây. Còn ở huyện Tiên Phước có khoảng 300 ha quế. Riêng xã Tiên Hiệp có khoảng 5 ha trồng cây quế. Ở Bắc Trà My, số quế cây từ 5 năm tuổi trở lên là 1.200ha, trong đó khoảng 30% diện tích đã và đang khai thác. Phước Sơn ước tính toàn huyện có hơn 3.600ha cây quế…
Ông Trần Anh Hòa, 59 tuổi, người trồng quế ở huyện Tiên Phước cho biết: “Tôi là người có thâm niên trồng quế, nên lắm nỗi niềm với nó. Khi quế được giá, lá và cành cũng bán chạy. Thế nhưng có lúc giá cả rớt thê thảm, lỗ tiền công, tiền phân. Còn như năm nay được giá thì diện tích quế bị bỏ đi nhiều rồi. Cái khổ của người trồng quế là không làm chủ được giá của sản phẩm mình làm ra, mà nó lại do tư thương quyết định. Nếu họ tìm được đầu ra, có giá thì bà con dể thở, nếu họ bí đầu ra người nông dân cũng khốn đốn theo”.
Còn anh anh Nguyễn Đình Anh (33 tuổi), trú thôn 3, xã Tiên Hiệp thì “Thời gian khai thác quế rất lâu từ 15 đến 20 năm mới khai thác được nên cũng không dám đầu tư trồng nhiều. Tôi trồng cây quế giống như làm vốn tích góp về tuổi già. Nhiều bà con thấy giá cả thất thường và lâu thu hoạch nên chuyển qua trồng cây keo hay các loại cây ăn trái khác để thay thế quế”.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp cũng xác nhận: “Do giá cả không ổn định, thời gian thu hoạch kéo dài, do đó hiện nay nhiều người dân chuyển qua trồng cây keo và nhiều loại cây khác nhanh thu nhập hơn. Cho dù dự đoán trong thời gian tới nguồn nhiên liệu quế cạn kiệt có nhiều khả năng giá quế sẽ cao trở lại nhưng diện tích quế vẫn thu hẹp dần”.