Quốc hội thảo luận ở hội trường: Răn đe, giáo dục làm gương

H.Vũ - M.Loan 03/11/2016 00:05

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Vấn đề nhiều đại biểu lo lắng vẫn là nền nông nghiệp bấp bênh dễ tổn thương và bộ máy công chức khi kỷ luật kỷ cương không nghiêm.

Quốc hội thảo luận ở hội trường: Răn đe, giáo dục làm gương

Đại biểu Quốc hội tại Hội trường, ngày 2/11.

Nóng chuyện nông nghiệp

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) nêu vấn đề: Israel làm nên nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới trên sa mạc, tại sao thuận lợi như ta lại không làm được? Đã vậy, nền nông nghiệp của ta lại dễ tổn thương.

Theo ông Đỉnh, cần các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, với sự tham gia của các Viện, Trường đại học, nhà khoa học để có nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hỗ trợ nông nghiệp ở khâu chế biến, tạo được sự liên kết thực chất chặt chẽ giữa 4 nhà, giải quyết tốt vấn đề về giá nông sản để không bị ép giá.

Tổ chức tốt thị trường nông sản nội địa và miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Với ĐB Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang), việc nuôi trồng cây, con gì, theo thời vụ như thế nào nên để doanh nghiệp và người dân tự lo; Nhà nước chỉ tập trung vào những vấn đề vĩ mô như quy hoạch các vùng phát triển nông nghiệp và xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp tiên tiến gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nền nông nghiệp của ta còn manh mún nhỏ lẻ. Thời gian tới, các giải pháp sẽ dồn cho sản phẩm quy mô giá trị lớn có giá trị xuất từ 10 tỷ USD trở lên; thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh vì 63 tỉnh đều có lợi thế xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh.

“Giải pháp tiếp theo là tháo gỡ các điểm nghẽn, trong đó có đất đai để đưa nhiều doanh nghiệp vào đầu tư; chính sách đối với vùng dễ tổn thương như vùng sâu, xa để đảm bảo đời sống đồng đều không có sự chênh lệch. Tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề khó và lâu dài. Cho nên cần có một gói hỗ trợ riêng cho tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư thẳng xuống 63 tỉnh, thành để họ chủ động rồi cùng với hợp tác PPP để kêu gọi đầu tư”- ông Cường bày tỏ.

Môi trường kinh doanh còn rào cản

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Dẫn chứng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng năm 2016 lên tới 16.294 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.803 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục để giải thể trong 9 tháng đầu năm nay là 8.365 doanh nghiệp, ông Sơn đề nghị thời gian tới và các bộ, ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp với các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, nhằm đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM), nền kinh tế vẫn còn thiếu tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, thiếu sự đồng bộ giữa các quy hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vẫn còn thiếu những thể chế để tạo ra môi trường lành mạnh, thiếu điều kiện giám sát và phản biện của Mặt trận, của đoàn thể, của xã hội đối với các định chế liên quan đến nền kinh tế.

Chính vì vậy theo ông Quốc, phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế để đưa nền kinh tế của nước ta tạo được thế chủ động, thế độc lập, thế tự do không phụ thuộc vào một nền kinh tế lớn khác.

Đưa ra dẫn chứng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn,tình hình nợ công, nợ xấu tăng nhanh, ĐB Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra những thiếu sót làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chính phủ cần quyết liệt hơn và chỉ đạo tập trung tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Xử lý mạnh để răn đe

Nhiều ĐB cũng bày tỏ bức xúc về những tồn tại trong công tác cán bộ.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đội ngũ cán bộ, công chức đông như thế, trong khi tinh giản biên chế thì gần như “giậm chân tại chỗ”. Số lượng công chức nhiều mà việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì nhiều cán bộ công chức làm gì?

“Nhiều doanh nghiệp nhỏ phản ánh, chính quyền và lực lượng chức năng trên địa bàn việc gì cũng biết, và việc “thăm hỏi” là thường xuyên. Nhưng thăm hỏi không phải để kiểm tra, xử lý sai phạm gì mà đến để xin kinh phí hỗ trợ. Thậm chí có doanh nghiệp bức xúc gọi đó là “xin đểu”. Trước kia chỉ xin hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán, nay xin cả dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, tổ chức hội nghị cũng xin. Việc được cho là tùy tâm nhưng không cho thì chuốc lấy sự khó dễ, dù doanh nghiệp chẳng làm gì sai”- ông Cương nói.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, bộ máy thực thi công vụ, kể cả Trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm.

Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương bộ máy hành chính nhà nước nhưng để chỉ thị đi vào cuộc sống theo ông Cầu, cần phải tuyên truyền học tập thấm nhuần sâu sắc làm chuyển biến mạnh mẽ, căn bản về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức khi thực thi công vụ.

“Cần ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh. Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được, mạnh tay kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp”- ông Cầu nhấn mạnh.

Nhận định sau Đại hội Đảng XII nhân dân tin tưởng sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Chính phủ hành động vì dân, còn Quốc hội thể hiện giám sát tối cao trong các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhìn nhận, năm nào báo cáo Chính phủ cũng nêu một bộ phận cán bộ có năng lực yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm.

“Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy”- ông Học đặt câu hỏi. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục. “ĐBQH và người dân cần có câu trả lời của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là có chấn chỉnh được thực trạng này hay không? và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này?”- ông Học đặt vấn đề.

Đưa ra giải pháp để chấn chỉnh tình trạng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), đề nghị Chính phủ phải ngăn chặn lợi ích nhóm, chính sách cục bộ ngay từ khi khởi xướng và xây dựng chính sách, dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, khích lệ và tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia hiến kế xây dựng đất nước.

Theo ông Vân, phải rà lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trên cơ sở phân cấp, phân quyền gắn với cải cách hành chính và đặc biệt là đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật. “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, lấy lòng dân và thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực.

Tăng cường tính minh bạch và giải trình của người đứng đầu các cấp. Có cơ chế đối thoại của người được đứng đầu các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở định kỳ hàng năm, để lắng nghe lòng dân, kịp thời sửa sang chính sách và điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy. xây dựng cơ chế giám sát bên trong bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng”-ông Vân chỉ rõ.

Cần có giải pháp để cứu doanh nghiệp du lịch

ĐB Trần Công Thuật- Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung, đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và an ninh trật tự xã hội.

Do đó cần xem xét để các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng được bồi thường.” Sự cố môi trường biển làm tan nát cả ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch bị điêu đứng, thiệt hại rất lớn nên cần có giải pháp để cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản.

Nếu chỉ nghĩ rằng đền bù cho người dân và một vài chính sách hỗ trợ nữa là giải quyết xong hậu quả thì đó là một suy nghĩ nhận thức chưa được thấu đáo. Cả một nền kinh tế nước nhà bị tụt hậu, suy giảm, không thể khắc phục một sớm một chiều”- ông Thuật bày tỏ.

Môi trường đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa

Theo ĐB Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh), hơn lúc nào hết chúng ta không nhân nhượng chỉ tiêu về môi trường, phải đặt yêu cầu về vấn đề môi trường cao hơn, khắt khe hơn và có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn. Giải trình trước các vấn đề môi trường mà các ĐB đề cập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, môi trường đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa.

Cho nên đổi mới nền kinh tế chính là giải quyết vấn đề môi trường. Bây giờ môi trường phải nằm ngay trong các dự án đầu tư theo xu hướng thế giới kinh tế xanh và các bon thấp chính là đầu tư ngay từ đầu. Ngay sau sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra Chính phủ đã rà soát các nguồn thải, kết thúc thanh tra 137 khu công nghiệp.

Thời gian tới cần giải quyết quyết liệt nghiêm túc, thực hiện nghiêm Luật Môi trường và tiến tới sửa đổi Luật trong đó có đánh giá tác động môi trường. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của MTTQ và người dân.

Tập trung xóa đói giảm nghèo

Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), đời sống của người dân còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn và sự cố môi trường. Hôm nay Quốc hội thảo luận ở đây, nhưng đồng bào miền Trung đang chống chọi với lũ lụt và có những thực tế đáng lo ngại. Nhiều hộ dân không có cơm để ăn, nhiều gia đình không có áo để mặc ấm.

Với tình hình đó, tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm và ưu tiên cứu đói, giảm nghèo trước mắt. Quan tâm đầu tư trang thiết bị cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở để có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời gian hiện nay, ngành y tế rất cố gắng, nhưng tôi thấy với những diễn biến phức tạp, đặc biệt là đời sống của bà con vùng miền Trung thì đầu tư xây dựng y tế để có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân cần phải được ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thảo luận ở hội trường: Răn đe, giáo dục làm gương