Kinh tế

Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước và địa phương: Công cụ thực hiện đầy đủ chức năng quản lý

Hồng Lộc 03/05/2024 18:00

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang Lê Phước Thái với báo chí trong thời gian qua.

445-202405180917001.jpg
Sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương. Ảnh: N. LỘC

Nhiều kết quả đạt được trong công tác phối hợp

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang Lê Phước Thái cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách; kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập để kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định những vấn đề quan trọng và góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương.

Khi triển khai Quyết định kiểm toán tại địa phương, KTNN đã mời đại diện Thường trực HĐND dự cuộc họp triển khai cùng với UBND tỉnh và các đơn vị được kiểm toán; cùng với HĐND và UBND tỉnh thống nhất về sự phối hợp trong thời gian thực hiện kiểm toán tại địa phương cũng như trong thời gian lập, thông báo, phát hành Báo cáo kiểm toán. Vì vậy trong quá trình thực hiện kiểm toán, tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ, sát sao trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đảm bảo cho hoạt động của kiểm toán thực hiện đúng mục tiêu và kế hoạch.

Đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của các đơn vị được kiểm toán; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Đoàn kiểm toán thực hiện các nhiệm vụ, chức trách theo kế hoạch được giao. Các cơ quan đầu mối của tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với KTNN, nắm bắt tình hình về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để phối hợp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, KTNN thường xuyên trao đổi, thông tin với Thường trực HĐND, UBND tỉnh về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp xử lý có hiệu quả, qua đó nâng cao chất lượng kiểm toán.

Ngoài ra, các Dự thảo Báo cáo kiểm toán đều được gửi lấy ý kiến UBND tỉnh trước khi thông qua. KTNN cũng phối hợp với địa phương tổ chức Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán đến HĐND, UBND và các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh. Những ý kiến, kiến nghị của địa phương luôn được KTNN nghiên cứu xem xét, nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý giữa quy định của pháp luật với quá trình quản lý, điều hành ngân sách phát sinh từ thực tiễn để kết luận, kiến nghị kiểm toán được chặt chẽ, có cơ sở và khả thi.

Kết quả và đề xuất

Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán luôn được HĐND, UBND tỉnh quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trên cơ sở các Báo cáo kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Vì vậy, nhìn chung, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với các Báo cáo kiểm toán được ban hành tại tỉnh Hậu Giang đạt kết quả rất tốt.

445-202405180917002.jpg
Ông Lê Phước Thái - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang.

"Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đánh giá các mặt làm được, phát hiện những tồn tại trong việc lập và phân bổ dự toán, công tác điều hành, công tác khóa sổ lập báo cáo quyết toán ngân sách. Những ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, là cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh xem xét trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau", ông Lê Phước Thái - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang.

Đối với những kiến nghị chưa thực hiện, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với KTNN nhằm có hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn và đề xuất biện pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, đối với các kiến nghị không thể thực hiện được do nguyên nhân khách quan địa phương đều có văn bản đề xuất KTNN xem xét và được trả lời bằng văn bản cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Với những kết quả đã đạt được, ông có đề xuất gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp giữa địa phương với KTNN trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN với các địa phương nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện Quy chế phối hợp; phát huy vai trò KTNN trong kiểm tra, kiểm soát các hoạt động tài chính, ngân sách của các cấp chính quyền địa phương và là công cụ hữu hiệu giúp các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ chức năng quản lý của mình.

Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa KTNN với HĐND và UBND tỉnh trong hoạt động kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của KTNN là thông tin tin cậy phục vụ cho hoạt động giám sát, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, quyết định những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ ba, địa phương chủ động phối hợp với KTNN tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin nghiệp vụ, nhất là thông tin chuyên đề, chuyên sâu một số lĩnh vực quản lý nhà nước rất nhạy cảm trên địa bàn như: thu hồi đất, bảo vệ tài nguyên, môi trường, công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài sản công… Qua đó, giúp cho tỉnh có các thông tin về chuyên môn nghiệp vụ sâu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả nhất nguồn lực tài nguyên, tài sản công…

Thứ tư, thông qua kiểm toán, đối với các kiến nghị tồn đọng có liên quan đến bất cập của cơ chế, chính sách, cần kiến nghị các cấp có thẩm quyền, các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, từ đó giúp địa phương có cơ sở thực hiện dứt điểm các kết luận, kiến nghị và nâng cao công tác quản lý tài chính, tài sản công trên địa bàn.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy chế phối hợp, tuyên truyền về hiệu quả mang lại từ việc thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các bên tham gia, qua đó tạo được sự chủ động và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa KTNN với HĐND và UBND tỉnh trong hoạt động kiểm toán.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện tốt các nội dung đã ký kết trong Quy chế phối hợp, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy chế phối hợp; trong đó chú trọng nội dung phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.

“Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa KTNN với địa phương, sẽ góp phần phát huy vai trò của KTNN trong kiểm tra, kiểm soát các hoạt động tài chính, ngân sách của các cấp chính quyền địa phương và là công cụ hữu hiệu giúp các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ chức năng quản lý của mình” - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang - ông Lê Phước Thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước và địa phương: Công cụ thực hiện đầy đủ chức năng quản lý