Quy định diện tích nhà ở tại Hà Nội: Thêm gánh nặng cho người nghèo đô thị

H.Hương-P.vân 10/07/2023 07:00

Theo quy định mới của UBND TP Hà Nội, giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội là 8m2/sàn/người đối với khu vực ngoại thành và 15m2/sàn/người đối với khu vực nội thành. Một số ý kiến cho rằng đây là quy định cần thiết để nâng chất lượng sống ở Thủ đô, nhưng phần lớn người lao động đang ở thuê đều thấy quy định không hợp lý.

Quy định phải đảm bảo diện tích 15m2 sàn/người mới đủ điều kiện đăng ký thường trú khiến nhiều công nhân, người lao động gặp khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Chất lượng sống của người dân ở Hà Nội sẽ được nâng lên?

HĐND TP Hà Nội đã quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.

Theo Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất, tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ. Mật độ dân số trung bình năm 2021 là hơn 2.479 người/km2. Dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận cao: mật độ dân số trung bình của 12 quận là 12.069 người/km2 (cao nhất là quận Đống Đa 37.869 người/km2), cao gấp 4,5 lần so với mức dân số trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm là 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo của quy hoạch chung.

Là đô thị đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô luôn duy trì mật độ cao. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. Dân số của TP Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.

Việc gia tăng dân số tại các quận nội thành, nhất là các quận thuộc khu vực nội đô mở rộng như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân đang tạo ra nhiều sức ép như quá tải đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống... Từ việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện khác của người dân cư trú trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận nội thành.

Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để Hà Nội xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Một số ý kiến cho rằng, với mong muốn chất lượng sống (ăn, ở, đi lại, học hành) của người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao thì điều kiện ở của người dân là một trong những yếu tố quan trọng, bởi nếu chỗ ở quá chật chội, mất vệ sinh, không đảm bảo môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của người dân nhất là với Thủ đô. Chính vì vậy, việc quy định diện tích tối thiểu khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người, khu vực nội thành là 15m2/sàn/người để có thể đăng ký thường trú tại Hà Nội là cần thiết, qua đó góp phần làm cho bộ mặt TP Hà Nội đẹp lên, bớt đi sự chật chội, nhếch nhác.

Người lao động than khó

Tuy nhiên, nhiều người lao động lại không nghĩ như vậy.

Anh Hoàng Anh Tú đang làm việc tại một công ty chuyên về thiết bị trường học cùng vợ thuê nhà ở quận Cầu Giấy hơn 10 năm nay cho rằng: quy định này làm khó cho người không có nhà, trong khi không phải các điểm nhà trọ cho thuê thường thì diện tích không lớn. “Hai vợ chồng tôi đang thuê nhà trọ ở đây cũng đã hơn 10 năm, diện tích cũng chỉ 12m2 chưa kể gác xép. Nếu như quy định tối thiểu mỗi người phải thuê tối thiểu 15m2, hai vợ chồng tính ra là 30m2, chưa kể con cái. Nhà đi thuê mà đến 30m2 thì tiền đâu cho lại” - anh Tú nói.

Chị Nguyễn Thùy Hương hiện đang thuê một phòng trọ có diện tích 12m2 với giá 3,5 triệu đồng/tháng ở Đình Thôn (Mỹ Đình) cho biết, phòng trọ là nơi sinh hoạt, học tập của vợ chồng chị một đứa con nhỏ hơn 3 tuổi. “Nếu như tôi muốn cho con của mình sau 2 năm nữa được đi học ở trường công lập Hà Nội thì ngay từ bây giờ tôi phải chuyển sang thuê nhà to hơn 50m2. Nhưng với tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ 18 triệu đồng/tháng, giờ thuê nhà riêng 50m2, hàng tháng còn tiền sinh hoạt nữa. Vậy thì chẳng còn dư được một đồng nào” - chị Hương cho biết.

Nhiều người lao động ở Hà Nội chấp nhận thuê nhà diện tích chật chội, thiếu tiện nghi. Ảnh: Quang Vinh.

Tương tự, anh Trần Văn Minh hiện đang thuê một phòng trọ với diện tích 40m2 ở đường Tam Trinh cho biết, gia đình anh ngoài hai vợ chồng còn thêm 3 con nhỏ trong độ tuổi đến trường. Theo quy định mới, gia đình anh muốn đăng ký thường trú tại Hà Nội phải thuê một nhà trọ có diện tích lên đến 75m2. Theo anh Minh, thuê một phòng rộng 75m2 trong nội đô Hà Nội chi phí không đơn giản, hay nói cách khác là những lao động có mức thu nhập trung bình không có cơ hội sinh sống ở Hà Nội.

Một trường hợp khác. Anh Nguyễn Quang Tân (quê ở Hưng Yên) đang làm nhân viên văn phòng, còn vợ anh làm ở lĩnh vực hàng không cho biết, vợ chồng anh đã thuê phòng trọ gần 20m2 và sinh sống ổn định tại quận Long Biên gần 3 năm nay. Với quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú mà TP Hà Nội đưa ra là 15m2/người thì gia đình anh sẽ rất khó để đăng ký thường trú. Trong khi đứa con lớn của anh đã 5 tuổi, nếu không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội thì việc xin học trường công lập sẽ rất khó khăn.

“Quy định thì chúng tôi không phản đối nhưng chi phí cho thuê trọ, ăn uống, đi lại hàng ngày đã chiếm 50% thu nhập. Người dân như chúng tôi không đủ tiền mới phải đi thuê trọ, giờ cũng yêu cầu muốn đăng ký thường trú Hà Nội phải ở nhà trọ rộng thì phải 60% người ở trọ tại Hà Nội không bao giờ có hộ khẩu ở Hà Nội” - anh Tân nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Hà Nội đưa ra chính sách như trên nhằm quản lý tốt hơn và hạn chế tập trung dân cư ở khu vực nội đô, tránh gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội, về giao thông, giáo dục, y tế… Nhưng với đề xuất quy định diện tích sàn tối thiểu 15m2/người là tạo thêm áp lực, gánh nặng chi phí cuộc sống người nghèo ở đô thị.

Theo ông Đính, một nhà 4 người sẽ phải có tối thiểu 60m2. Trong khi giá thuê 1 phòng rộng khoảng 15 - 20m2 ở các quận tại Hà Nội dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng. Như vậy, chi phí thuê nhà của người dân sẽ đội lên gấp 3 - 4 lần.

Trong khi đó đứng ở góc độ luật sư, ông Tô Hà Dũng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nhiều phòng trọ ở Hà Nội diện tích rất bé vì thế Hà Nội cần tạo quy hoạch hợp lý, tạo môi trường ở hợp lý để người dân an cư lạc nghiệp thay vì kiểm soát diện tích nhà ở. Diện tích ở chỉ là một tiêu chí, có nhiều nhà diện tích bé nhưng các nghĩa vụ họ thực hiện rất tốt. Vậy thì không thể vì diện tích nhà ở mà ngăn chặn các quyền lợi của người dân.

Theo ông Phan Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN), việc nâng điều kiện diện tích nhà ở áp dụng với công dân nhập cư là cần thiết nhưng việc đặt giới hạn 15m2 trong thời điểm này là chưa hợp lý. Với mức thu nhập của người dân như hiện nay, yêu cầu này đối với người thuê nhà sẽ khó đáp ứng được (diện tích này hiện có giá cho thuê từ 2-3 triệu đồng). Có thể lấy ví dụ một cặp vợ chồng có 2 con cần 60m2 với giá thuê 10 triệu thì tiền thuê nhà chiếm trên 1/2 thu nhập của họ. Điều này là bất hợp lý trong cân đối thu chi để gia đình tồn tại và có đăng ký thường trú tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định diện tích nhà ở tại Hà Nội: Thêm gánh nặng cho người nghèo đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO