Hà Nội đã có “Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ và bến bãi đỗ xe công cộng”, theo xu hướng các bến xe sẽ dịch chuyển ra các đường vành đai, nhằm giảm tải ùn tắc nội đô. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay, đi kèm với chiến lược phát triển bến xe, cần tránh tình trạng bến quá tải, bến trống vắng như hiện nay.
Cảnh ùn ứ diễn ra thường xuyên tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).
Theo “Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ và bến bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020” mới được Sở GTVT Hà Nội công bố, các bến xe khách sẽ được bố trí và xây dựng trên các trục đường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố vệ tinh xung quanh khu vực, dài đều theo các hướng, phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng.
Cụ thể, khu vực phía Bắc sông Hồng, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 3 bến xe, với tổng diện tích 13,5 ha, bố trí theo 3 hướng Đông Bắc, Bắc và Tây Bắc. Ở phía Đông Bắc, sẽ xây mới bến xe Gia Thụy. Tại huyện Đông Anh, TP dự kiến sẽ xây dựng 2 bến xe, là bến xe khách Đông Anh, quy mô 5ha, nằm ở phía Bắc, ngay trên Quốc lộ 3, phía dưới điểm giao cắt với đường vành đai III. Bến thứ hai là Tây Đông Anh, quy mô 3,5ha. Tại khu vực phía Nam sông Hồng, sẽ xây dựng 3 bến xe với tổng diện tích khoảng 14,5ha. Cụ thể, tại khu vực ngã tư Quốc lộ 6 với đường vành đai IV, sẽ xây dựng bến xe khách phía Tây Nam. Ở phía Nam và phía Bắc sẽ có bến xe khách Thanh Trì và bến xe khách Mỹ Đình.
Không chỉ các bến xe khách, TP sẽ dành riêng 66,5 ha để xây dựng 9 bến xe tải liên tỉnh. Các bến này được xây dựng tập trung ở khu vực đường vành đai IV. Phía Bắc sông Hồng sẽ có 4 bến, phía Nam sông Hồng có 5 bến...
Ông Vũ Văn Viện- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các bến xe khách và bến xe tải sẽ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, khi đưa vào sử dụng sẽ tăng lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa. Song quan trọng nhất là sẽ giảm tải cho giao thông khu vực nội đô TP Hà Nội. Dự kiến, các bến xe sẽ hoàn thành trước năm 2020. Thời hạn này rất quan trọng đối với sự phát triển và mở rộng TP Hà Nội.
Hiện nay, một thực tế nhãn tiền, là bên cạnh những bến xe quá tải đầu phương tiện như bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình, còn nhiều bến xe dư thừa công suất như bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm. Sở dĩ có nghịch lý trên là do sự bố trí các hướng tuyến chưa hợp lý, bản thân các doanh nghiệp vận tải phải bị chi phối và phụ thuộc...
Có thể kể đến bến xe Nước Ngầm, được xây dựng từ tháng 3-2014, trên diện tích 17.800m2, có thể phục vụ tối thiểu khoảng 800 lượt xe/ngày. Đây được coi là bến xe có hạ tầng và chất lượng dịch vụ tốt nhất Hà Nội hiện nay, song do việc bố trí các tuyến xe khách liên tỉnh về Hà Nội đón trả khách tại bến xe Nước Ngầm chưa hợp lý, đã gây ra tình trạng lãng phí. Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, mỗi ngày số xe xuất bến chỉ đạt khoảng 200 lượt, chiếm khoảng 30% khả năng phục vụ của bến. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải không “mặn mà”, mặc dù giá dịch vụ, bến bãi thấp hơn các đầu bến khác.
Hay như bến xe Yên Nghĩa, khi hình thành bến xe, đã điều phối một lượng xe giảm tải từ bến xe Mỹ Đình về bến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hoạt động thời gian lại có xu hướng chuyển về Mỹ Đình, hoặc lập lờ cắt tuyến đi về phía bến xe Mỹ Đình đón khách. Chính vì vậy, bến xe hiện nay rất vắng. Trách nhiệm điều phối quản lý hướng tuyến rõ ràng lỏng lẻo và bất cập.
Theo Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, khi hình thành quy hoạch bến xe, đặc biệt cần nhất là điều chỉnh luồng tuyến phù hợp. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng “độc quyền” bến xe. Điều này sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư trong quá trình xã hội hóa, xây dựng mới các bến. Hơn 130 tỷ đồng đầu tư bến xe Nước Ngầm để rồi trống vắng, trong khi Giáp Bát, Mỹ Đình tiếp tục phải mở rộng vì quá tải. Nghịch lý ấy sẽ không thể khiến bài toán ùn tắc nội đô được giảm tải, nhất là khi hàng chục bến xe mới ra đời - theo Hiệp hội vận tải TP Hà Nội.