Sau một tháng Hà Nội triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã ghi nhận những tín hiệu khả thi trong việc áp dụng vào thực tế.
Du khách mượn quần áo dài để vào Đền Ngọc Sơn.
Văn minh bắt đầu từ trang phục
Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai vào tháng 3/2017. Sở VHTT Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải niêm yết công khai các nội dung liên quan đến ứng xử tại các thiết chế văn hóa, các điểm di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo… trên các bảng, biển cả đơn vị đặt nơi nhân dân dễ quan sát, thực hiện.
Các đơn vị còn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho người dân những việc nên làm và không nên làm khi hành lễ, học tập, tham quan, du lịch tại cá điểm di tích…
Mới đây, Đền Ngọc Sơn là di tích đầu tiên của Hà Nội cho du khách mượn quần áo dài trong trường hợp du khách mặc những trang phục không phù hợp như quần áo ngắn, hở hang.
Trong đó, Đền Ngọc Sơn đã cho may 100 trang phục áo dài và hướng dẫn những du khách mặc trang phục không phù hợp được mượn. Việc làm này nhanh chóng tạo được thiện cảm với du khách trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội cho biết hiện nay ban đã áp dụng thí điểm tại một số di tích khác của Hà Nội, ngoài Đền Ngọc Sơn còn có đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm…
Tại những di tích này, BQL đã chuẩn bị sẵn quần áo cho du khách, tiền may trang phục là từ nguồn kinh phí thu được ở các điểm tham quan. “Chúng tôi vừa thí điểm thực hiện, vừa lắng nghe ý kiến của người dân, du khách. Hi vọng, đây sẽ là một việc làm thiết thực, góp phần vào xây dựng hình ảnh Hà Nội thanh lịch, văn minh”- bà Hòa cho hay.
Còn theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám: BQL di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám đang chốt các mẫu thiết kế và sẽ bắt đầu cho in, may. Trung tâm sẽ có hai mẫu trang phục dành riêng cho nam và nữ với một gam màu chung. Trên thân áo có in họa tiết, logo của Văn Miếu.
Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trước mắt Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ in 40 chiếc áo (20 nam và 20 nữ) để thí điểm và lắng nghe ý kiến của du khách, sau đó mới cho in đồng loạt. Dự kiến, giữa tháng 5, Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ áp dụng việc cho du khách mượn áo.
Không mang tính áp đặt
Tuy nhiên, việc quy tắc không đặt ra chế tài xử phạt mà chỉ động viên giáo dục, hướng dẫn, tuyên truyền cũng đặt ra những băn khoăn trong việc xử lý các hành động phản cảm, thiếu ý thức của người dân nơi công cộng.
Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó GĐ Sở VHTT Hà Nội cho biết từ sơ khai, khi hình thành bộ quy tắc này, Hà Nội đã tiếp cận với cộng đồng, với nhiều khu vực khách thể khác nhau liên quan đến những nội dung mà quy tắc ứng xử chi phối, đồng thời đã có một quá trình lấy ý kiến từ thực tiễn.
Do vậy, khi sàng lọc, đúc kết thành quy tắc, nó rất ngắn gọn và thành công chính là ở đó. Nhưng quy tắc này muốn triển khai lại phải có một kế hoạch để mọi người hiểu rõ hơn về nội dung mà quy tắc đưa ra bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều cách thức khác nhau, thông qua nhiều cơ quan đơn vị. Có như thế, người dân mới hiểu rõ hơn về những nội dung của quy tắc.
Chính vì vậy, Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội trước, để cán bộ công chức làm trước, tiếp nhận trước, từ đó mới lan tỏa và là gương mẫu trong quy tắc thực hiện ứng xử nơi công cộng.
Theo ông Lợi, Quy tắc ứng xử nơi công cộng không mang tính áp đặt mà mang tính định hướng hướng dẫn, khuyến cáo… Do vậy ở đây Quy tắc không đặt ra chế tài mà chỉ động viên giáo dục, hướng dẫn, tuyên truyền để mọi người hướng đến hành động, hành vi ứng xử tốt đẹp theo văn hóa nếp sống của người Hà Nội.
Và để thực hiện tốt Quy tắc ứng xử này phải là một quá trình rất dài, thấm dần vào trong đời sống xã hội thông qua tuyên truyền giáo dục và những hành động gương mẫu.