Theo kế hoạch, tại kỳ họp tới của Quốc hội, tháng 5-2018, sẽ thông qua các đề án, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng tinh thần chung là phải tạo ra nguyên tắc bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế. Trong đặc khu sẽ hình thành các khu chức năng, đặc biệt là khu thương mại tự do.
* Kéo dài thời hạn sử dụng đất, tăng hấp dẫn của đặc khu
Mới đây Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bàn về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu). Đây là dự án luật được cho là rất khó, với nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng thời gian chuẩn bị không còn nhiều bởi theo kế hoạch các đề án, dự thảo liên quan sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018.
Một góc Vân Đồn (Quảng Ninh) hôm nay.
Những điểm mới
Dự thảo luật về đặc khu mới nhất có tên: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Tại Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh … nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Trong đó, luật dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân. Trong đặc khu sẽ hình thành các khu chức năng, đặc biệt là khu thương mại tự do.
Đáng chú ý, tại Dự thảo đã có thêm quy định cụ thể về các trường hợp chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối, hải quan, nhập cảnh, đi lại và cư trú.
Địa phương đã sẵn sàng
Trong khi các quy định về luật đang tiếp tục được bàn thảo, thì trên thực tế các nơi dự kiến hình thành đặc khu đã sẵn sàng (Vân Đồn- Quảng Ninh, Phú Quốc- Kiên Giang, Bắc Vân Phong- Khánh Hòa).
Vài tháng trước đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố danh mục 5 dự án mà tỉnh này muốn kêu gọi đầu tư vào Vân Đồn, với vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.
Trong số này có Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng, quy mô 691 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng; Dự án du lịch tại đảo Nất Đất, quy mô 116 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ, quy mô 120 ha, tổng mức đầu tư 637 tỷ đồng…
Tuy nhiên, được cho là nổi bật nhất tại đây chính là việc kêu gọi đầu tư vào Dự án sân bay Vân Đồn (theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 6 tới) và Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng có casino.
Theo giới chuyên gia, đây là hai dự án có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của đặc khu Vân Đồn. Theo ông Nguyễn Đức Long- chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì tỉnh này đã thu hút được hơn 55.000 tỷ đồng đầu tư cho Vân Đồn.
Phú Quốc dường như còn sẵn sàng hơn cho việc thành lập đặc khu. Thời gian qua, hạ tầng giao thông ở đây phát triển rất mạnh, cùng đó là thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch.
Con số dự án tại đây là hơn 265, với tổng vốn đầu tư 377.000 tỷ đồng, tương đương 16,7 tỷ USD. Trong đó, có 200 dự án với tổng vốn đầu tư 220.000 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.
Chậm chân hơn là Bắc Vân Phong, bởi nơi này vẫn đang “bí” các dự án đầu tư. Tuy nhiên, lợi thế ở đây lại là quỹ đất rất rộng để xây dựng quy hoạch đồng bộ, với một tầm nhìn xa ngay từ đầu, tránh được sự chắp và “đào lên lấp xuống”.
Theo ông Hoàng Đình Phi- Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong thì nơi đây cũng đã sẵn sàng cho việc thành lập đặc khu.
Còn ông Hoàng văn Cường- ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Bắc Vân Phong nằm trong vùng vịnh nước sâu, kín gió, gần ngã ba của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên Biển Đông, nên có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình giao thông liên vận trong nước và quốc tế, trong tương lai sẽ trở thành cảng trung chuyển vận tải quốc tế.
Cùng đó, hiện phần diện tích mặt đất và mặt nước chưa sử dụng ở Bắc Vân Phong còn khá lớn, nên có điều kiện phát triển công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính, đặc biệt là dịch vụ logistics.
Như vậy, cho thấy những quy định về thể chế, pháp lý, hành chính cho đặc khu cần phải được đẩy nhanh trước sự phát triển mạnh mẽ của thực tế.
Cần những chính sách bứt phá
Trước hết là vấn đề quyền sử dụng đất. Trong khi còn không ít ý kiến không đồng tình với việc kéo dài thời gian sử dụng đất cho nhà đầu tư tại đặc khu thì nhiều chuyên gia lại cho rằng phải nới rộng thời gian cho thuê đất thì mới thu hút và giữ chân được nhà đầu tư.
Ông Hoàng Văn Cường- ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thành công của đặc khu, trong đó có việc phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ mạnh cho đặc khu; xây dựng bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính đơn giản, công khai và minh bạch.
Vì vậy phải phân cấp thật mạnh cho chính quyền đặc khu, người đứng đầu đặc khu. Chỉ có như vậy mới tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng quyền lực được tập trung vào một người, một nhóm người thường dẫn đến lạm quyền, cửa quyền, độc quyền nếu không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, bên cạnh trao quyền, phân cấp mạnh cho tổ chức bộ máy hành chính đặc khu, đặc biệt là trưởng đặc khu thì phải có chế tài, thiết chế để giám sát, kiểm soát quyền lực nằm trong hệ thống pháp luật.
Ông Trần Quang Chiểu- thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án và đề xuất của nhà đầu tư, nên giao cho người đứng đầu đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa lên đến 70 năm.
Trong trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài thời gian sử dụng đất cho nhà đầu tư lên tới 99 năm- việc này nên giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.
“Quy định như vậy nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu so với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khác trong nước, cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới”- theo ông Chiểu.
Với ý kiến cho rằng nên miễn giảm nhiều loại thuế cho đặc khu để thu hút phát triển (như miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước...), ông Chiểu cho rằng nếu chỉ có tổ chức bộ máy hành chính đặc biệt mà không có các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt khác về tài chính, đất đai nhằm thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược, thì không nhất thiết phải thành lập đặc khu.
Tuy nhiên, ưu đãi phải có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn, chỉ ưu đãi đặc biệt đối với những lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút vào đặc khu; không ưu tiên, ưu đãi đối với những ngành nghề, lĩnh vực mà hiện nay doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao...