Một chỉ đạo vô cùng quyết liệt vừa được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trước thực trạng các nhà máy nhiệt điện xả ra môi trường quá nhiều lượng chất thải, đe dọa đến môi trường sống của người dân tại những địa phương xây dựng các nhà máy. Đó là: Sẽ kiên quyết loại bỏ những nhà máy gây ô nhiễm. Nhất quyết không đánh đổi hay hủy hoại môi trường, bởi đó là tội ác.
Ảnh minh họa.
Thống kê mới đây của Bộ Công thương: khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành trên cả nước xả ra môi trường 15,7 triệu tấn tro xỉ mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà máy chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Và tất nhiên, khi chưa có giải pháp về đầu ra, thì từng ngày, từng giờ hàng triệu tấn tro xỉ kia sẽ tác động tiêu cực đến môi trường.
Có lẽ, đây chỉ là con số bề nổi, còn hàng loạt các nhà máy đã và đang từng ngày, từng giờ xả thải ra môi trường, trong số đó có bao nhiêu nhà máy đang gây ô nhiễm nghiêm trọng thì chưa thể “điểm mặt” chỉ tên hết được. Mất mát về kinh tế là một chuyện, nhưng đáng quan ngại hơn là sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của môi trường sống, sự bất an của người dân khi chứng kiến cảnh môi trường đang mỗi ngày bị hủy diệt, màu xanh đang chuyển dần thành màu xám…
Thực trạng báo động của môi trường hiện nay đã khiến Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp các lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty ngành công thương với thái độ rất kiên quyết: Yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản… Những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của ngành phải đứng ra cam kết “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Ông cho rằng bằng những hành động cụ thể, mạnh mẽ, phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về môi trường. “Chúng ta không đánh đổi cái gì cả. Giữ môi trường cũng là giữ sự sống cho chúng ta và tương lai con cháu chúng ta sau này”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, đem lại niềm tin trong người dân cũng như khôi phục lại môi trường là vấn đề rất khó khăn, lâu dài. Sự tồn tại của rất nhiều nhà máy từng ngày từng giờ thải vào môi trường sống chất thải độc hại, trong khi không ít nơi những người có trách nhiệm ở địa phương lại tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ. Lạnh lùng trước những giọt mồ hôi, nước mắt của bao người. Lớp trẻ lớn lên đối diện với những căn bệnh nan y chỉ vì môi trường đã không còn trong sạch, chỉ vì động cơ của một số người vì món lợi hôm nay mà bất chấp tương lai.
Vì vậy, cam kết của Bộ trưởng Công thương rằng, sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh- đã nhận được sự đồng tình của xã hội. Tuy rằng, ai cũng biết rằng việc đó không dễ. Thật quý khi chính vị Bộ trưởng nói rằng, đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật với nhau xem chúng ta còn bỏ sót quy trình nào, cái gì chưa hoàn thiện cần khắc phục ngay, tốn kém cũng phải làm. Sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhưng không phải bằng mọi giá. Không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác!.
Thời gian qua, vì quá sốt sắng công nghiệp hóa, chúng ta đã quá dễ dãi khi mở cửa cho phép xây dựng hàng loạt các dự án nhà máy nhiệt điện than, nhà máy thép lạc hậu về công nghệ, yếu về khả năng quản lý, giám sát… dẫn đến thực trạng, có nhà máy xây dựng cả chục năm không đi vào vận hành được, thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Lại có những nhà máy khi đi vào vận hành không bao lâu thì môi trường bị tiệt diệt. Với việc ô nhiễm môi trường đang khiến xã hội bận tâm, rõ ràng việc kiên quyết đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm và không đánh đổi môi trường lấy dự án, chính là quyết tâm cứu môi trường sống khỏi nguy cơ bị hủy diệt, không chỉ cho chúng ta hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Từ quyết tâm của Chính phủ, xuống tới các bộ ngành, địa phương, rất mong đó là sự liền mạch, thông suốt. Sự nỗ lực phải đồng đều, sự quyết tâm phải thật cao. Dẫu biết rằng không phải ngày một ngày hai môi trường đang ô nhiễm bỗng trở lại trong lành.