Cơ quan Hải quan đang tìm mọi giải pháp nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam nhằm trà trộn, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước. Đó là thông tin được đưa ra trong buổi toạ đàm “Hải quan làm gì để chống gian lận xuất xứ hàng hoá”, ngày 10/9.
Lực lượng Hải quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa.
Quy tắc lỏng lẻo
Thời gian gần đây rộ lên thực trạng các loại hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng. Đó là hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác, sau đó giả mạo, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam, lấy danh nghĩa là hàng Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Đối với các mặt hàng gỗ, sắt thép, hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp gỗ trong nước khai thu mua nguyên liệu gỗ từ các địa phương để chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài. Song theo điều tra của cơ quan Hải quan lại không đúng như vậy.
Ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan khẳng định trong quá trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, cơ quan Hải quan nhận thấy một số vấn đề: Quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng lẻo.
Việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ: Có tình trạng DN nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ…
Trong khi đó ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu khẳng định hiện quy định pháp luật về xuất xứ còn chưa thật cụ thể, chưa bao quát được đẩy đủ các trường hợp. Cùng với đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 quy định về nhãn hàng đối với hàng nhập khẩu, nếu không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên các nhãn thì được phép bổ sung nhãn phụ trước khi lưu thông.
Vì thế, cơ quan Hải quan phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn giả mạo nguồn gốc hàng hóa nhưng không có đủ cơ sở để xử lý tại khâu nhập khẩu.
Tác động đến xuất nhập khẩu
Việc giả mạo xuất xứ hàng hoá khiến cho cơ quan quản lý đau đầu. Còn nhớ vào năm 2018, cơ quan Hải quan phát hiện Công ty TNHH H.T (Thành phố Hồ Chí Minh) khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Viet Nam” nhãn hiệu ROYALGRESPORCELANTATO, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chưa hết, cơ quan Hải quan kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển 1 lô hàng lớn từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam tiêu thụ, hàng hóa ước tính khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, điện gia dụng, toàn bộ hàng hóa đều có xuất xứ Trung Quốc, nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí có sản phẩm còn ghi rõ là sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nông sản đội lốt xuất xứ Đà Lạt. Nguồn: Vietnamnet.
Giới chuyên gia đưa ra quan ngại rằng, cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, kéo theo nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Ông Âu Anh Tuấn khẳng định, trước nguy cơ gian lận xuất xứ từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan để kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Trong bối cảnh Mỹ liên tiếp áp mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 23/8/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5189/TCHQ-GSQL chỉ đạo cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ chống gian lận, giả mạo xuất xứ.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, Việt Nam đã thực hiện 12/15 Hiệp định FTA đã ký kết, đối tác của Việt Nam trải rộng khắp châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, do vậy không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các đối tác FTA, hoặc các quốc gia dành cho Việt Nam các ưu đãi về thuế quan thấp hơn. Hiện tại, một số mặt hàng của Việt Nam đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp như: Thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp dụng mức thuế hơn 400%. Một số mặt hàng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như: pin năng lượng mặt trời, xe đạp, tôm, xe tay nâng… Các nước điều tra chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, theo ngành Hải quan thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.