Cao Bằng là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… sinh sống. Những năm trước đây, đây là vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, trường học, đến nay người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Quảng Hoà có gần 70 nghìn người thì có đến 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng và Mông. Những năm trước đây, do phong tục, tập quán lạc hậu, trên những con đường, những nương rẫy, hình ảnh “trẻ em địu trẻ em” là chuyện thường gặp. Người mới đến tưởng đó là những đứa trẻ trông em giúp mẹ. Nhưng thực tế, đó là những bà mẹ… trẻ con. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương, tình trạng tảo hôn đang giảm mạnh. Quảng Hoà là một điển hình trong số đó. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện phát sinh 24 cặp tảo hôn. Tính trung bình, mỗi năm chỉ còn vài cặp. Đây là tiền đề để Quảng Hoà xoá bỏ hẳn hủ tục này trong những năm tới.
Một điển hình trong công tác phòng, chống tảo hôn ở Quảng Hoà là xã Phi Hải. Phi Hải có gần 3.500 nhân khẩu. Vấn nạn tảo hôn chủ yếu xảy ra trong đồng bào dân tộc Mông, nơi có khoảng 100 hộ gia đìnhsinh sống tại 2 xóm Phúc Dùng và Tri Phương 1. Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã phối hợp tổ chức gần 10 hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với 900 người tham dự; tập huấn cung cấp thông tin cho những đối tượng là cán bộ thôn bản, người có uy tín… Nhận thức của cộng đồng tăng lên giúp tình trạng tảo hôn giảm dần. Chủ tịch UBND xã Phi Hải Lê Đình Nhất cho biết: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, giai đoạn 2015 - 2025 được triển khai thực hiện trên địa bàn xã, huy động sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng đông đảo nhân dân. Vì vậy, xã không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn giảm đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của các hộ dân, nâng cao đời sống văn hóa tại các khu dân cư”.
So với Quảng Hoà, huyện Hà Quảng có điều kiện còn khó khăn hơn. Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới với 99,5% đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật một số nơi còn hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, chiếm 10,77%. Trong đó, 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao, 101 cặp dân tộc Nùng. Tảo hôn thực sự là một vấn nạn dai dẳng trong những năm trước đây. Ông Trương Văn Thắng, trưởng xóm Làng Lỷ, xã Nội Thôn chia sẻ: “Xóm có 37 hộ, địa hình đồi núi phức tạp, đường đi lại khó khăn, dân cư phân tán. Trước kia tảo hôn thường xuyên xảy ra. Mặc dù vậy, những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xóm có nhiều chuyển biến tích cực, xóm không có hôn nhân cận huyết thống”. Để có được kết quả này, Chủ tịch UBND xã Nội Thôn Dương Văn Thành cho biết: “Xã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã phối hợp tổ chức 15 cuộc tuyên truyền cho 5.875 lượt người, tư vấn trực tiếp 1 cặp tảo hôn. Người dân thay đổi nhận thức nên cũng đã từng bước “nói không” với tảo hôn”.
Ngoài xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng còn triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” tại xã Bình Lãng (nay là xã Thanh Long); thành lập tổ tư vấn tại các xóm, trường THCS. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình dưới dạng tiểu phẩm, trả lời câu hỏi trắc nghiệm; cấp phát tờ rơi, thiết bị tuyên truyền với nội dung, hình ảnh liên quan đến tảo hôn… Qua đó, tạo sức lan tỏa đến từng hộ gia đình, nhận thức của đồng bào được nâng lên đáng kể. Nhiều hộ ban đầu có kế hoạch tổ chức đám cưới cho con khi chưa đến tuổi, sau khi được tổ tư vấn phân tích, chỉ ra những hệ lụy đã quyết định hoãn cưới, chờ đủ tuổi mới kết hôn.
Công tác tuyên truyền chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng được đẩy mạnh tại các huyên Trùng Khánh, Bảo Lâm, Bảo Lạc… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 69 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Số lượng này đã giảm đáng kể so với những năm trước, là tiền đề để Cao Bằng tiến tới đẩy lùi, thanh toán tảo hôn trong thời gian tới.