Xây dựng Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân luôn là mối quan tâm của Ðảng. Trong đó, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ là vấn đề càng có ý nghĩa khi năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII và là năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vậy làm sao để có bộ máy trong sạch, xây dựng Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, vì dân là vấn đề cần sự quyết tâm mạnh mẽ trong năm 2020.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê.
Quyết tâm chống tham nhũng
Để xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, theo bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang, cần quyết tâm chống tham nhũng. Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhận định: Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của Đảng, Nhà nước đã được cán bộ đảng viên cấp cơ sở và nhân dân ghi nhận. Công cuộc phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đã thổi “luồng gió mạnh”, tạo luồng “sinh khí mới” đối với các tổ chức Đảng ở cơ sở. Nhân dân, cán bộ đảng viên và cử tri rất mong muốn trong thời gian tới công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng, trong các tổ chức Đảng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt năm 2020 là năm tổ chức đại hội Đảng cấp cơ sở; cho nên công tác PCTN phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, góp phần làm trong sạch cán bộ từ cơ sở, qua đó tìm ra những nhân tố cán bộ mới xây dựng cán bộ lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới. “Chúng tôi rất mong và kỳ vọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, những đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục chỉ đạo công tác PCTN quyết liệt hơn. Trong đó cần sự chuyển động từ cấp cơ sở trong việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh”- bà Lê Thi Thu Hồng cho hay.
Từ thực tế kinh nghiệm từng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bắc Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng trong PCTN, bên cạnh những vụ án lớn cần tập trung vào chống tham nhũng “vặt” ở cấp cơ sở. Bà nói: “Khi chúng tôi đi cơ sở thấy rằng, tham nhũng “vặt” như “ghẻ ruồi”, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến. Dù nhỏ nhưng rất khó chịu, từ vấn đề nhỏ có thể thành cái lớn. Do đó muốn chống tham nhũng “vặt”. Nên phải bắt đầu từ cơ sở bằng việc phải chọn được người, cán bộ có năng lực, trình độ nhưng phải có tâm huyết có đạo đức. Bên cạnh đó cần chú ý đến xây dựng lối sống, tác phong, đạo đức của người cán bộ, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tránh tạo “khe hở” để cán bộ nhũng nhiễu, cũng như cần sự nêu gương của người cán bộ lãnh đạo quản lý, đặc biệt là người đứng đầu”.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh: Trong thời gian vừa qua, Trung ương đã nhìn nhận, đưa ra đánh giá về tình trạng tham nhũng. Chính tham nhũng đã kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước, góp phần làm “băng hoại” đội ngũ cán bộ công chức. Chúng ta luôn xác định tham nhũng phải được ngăn chặn và chấm dứt, kể cả các hành vi tham nhũng nhỏ, hay còn được gọi là tham nhũng “vặt”. Bởi, nó sẽ tích tụ, tạo nên thói quen trở thành tham nhũng lớn. “Nếu không làm tốt, tuyên truyền mạnh mẽ, tạo sức mạnh từ trong đội ngũ cán bộ, nhân dân cùng chung sức ngăn chặn chúng ta sẽ rất khó phát triển”- ông Khuê nói.
Bày tỏ kỳ vọng của mình về xây dựng bộ máy trong sạch, trong năm 2020, ông Khuê cho rằng, trong thời gian tới ngăn ngừa, PCTN, lãng phí là vấn đề trọng yếu. Cho nên Đảng và cả hệ thống chính trị cần quyết tâm PCTN, đặc biệt là tham nhũng “vặt” để đưa đất nước phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên để chống tham nhũng hiệu quả hơn, ngăn ngừa tham nhũng “vặt”, theo ông Khuê, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị cần phát huy vai trò của mình trong giám sát. Phải làm cho cán bộ phải biết sợ dân, đặt sự giám sát của mình trước lợi ích của nhân dân. “Vì trong thực tế có những cán bộ khi ra ứng cử đã tuyên bố, đưa ra các chương trình hành động gắn bó với dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Nhưng khi anh có vị trí rồi, lúc nhân dân cần tìm lại lảng tránh, rơi vào vùng “bí mật”. Do đó cán bộ công chức phải đặt chịu sự giám sát của nhân dân, là công bộc của nhân dân và phải biết sợ dân”- ông Khuê nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn.
Thực hiện tốt Quy định 205
Ở góc độ khác, để trong sạch bộ máy theo ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cần quan tâm thực hiện tốt Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Phân tích thêm, ông Sơn cho rằng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng giới thiệu cán bộ của mình để Nhà nước bổ nhiệm vào các vị trí công tác nhằm thực hiện sứ mệnh, vai trò là người được Đảng cử vào trong các vị trí, thực hiện sứ mệnh Đảng cầm quyền thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước. Bác đã dặn cán bộ, đảng viên phải luôn luôn đề cao đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn luôn phải gương mẫu rèn luyện và phải làm tròn vai trò là công bộc của nhân dân. Do đó thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là làm tốt công tác cán bộ.
Theo ông Sơn, quyền lực nhà nước luôn luôn phải đối diện một cách thường xuyên và liên tục với các nguy cơ bị “tấn công” trực diện bằng mọi thủ đoạn. Trong trường hợp Đảng giữ sứ mệnh là Đảng cầm quyền, đồng nghĩa với việc các nguy cơ này làm suy yếu đi quyền lực của Đảng. Cho nên trong các lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nói hai vế đó là cán bộ phải “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Trong đó có ý, cán bộ, đảng viên trong hệ thống phải ra sức rèn luyện và việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng theo lời dặn của Bác là công việc thường xuyên, liên tục. “Người cán bộ đảng viên công tác ở các vị trí trong bộ máy nhà nước đều phải thấm nhuần tư tưởng lời căn dặn của Bác”- ông Sơn nói. Và theo ông, trong thời gian qua, Đảng đã cho thấy sự tích cực trong việc kiểm tra, rà soát củng cố lại bộ máy nhà nước. Hàng loạt những vấn đề đã được Đảng chỉ ra thông qua nhiều hình thức xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền, thậm chí truy tố trước pháp luật.
Theo ông Sơn, chưa bao giờ cán bộ bị xử lý kỷ luật nhiều như thời gian qua. Nó chỉ ra một điều rằng, soi trở lại với việc thực hiện lời dặn của Bác thì thấy việc rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước thời gian qua có nhiều vấn đề bất cập, nhiều việc cần phải chấn chỉnh. Nhân dân không thể chấp nhận và Đảng cũng không thể yên tâm khi trong bộ máy có những người vi phạm kỷ luật, không rèn luyện đúng với tinh thần của Đảng, của Bác đã chỉ dẫn. Đã vi phạm nhưng lại được cất nhắc vào vị trí cấp cao sẽ dẫn đến hệ lụy tất yếu làm tổn thất cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Trong năm 2020 để xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, ông Sơn cho rằng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Cho nên năm 2020 các cấp ủy Đảng cần thực hiện cho tốt Quy định này. Bởi chạy chức, chạy quyền là biểu hiện của sự tha hóa trong công tác cán bộ. Chạy chức, chạy quyền với đủ mọi phương thức là hiện tượng “không bình thường” trong bộ máy nhà nước. Trong lịch sử Việt Nam, không phải các cán bộ đảng viên là con em của các gia đình có truyền thống cách mạng đều không đảm bảo yêu cầu. Lịch sử đã ghi nhận nhiều người là con em cán bộ đã trở thành nhân tố ưu tú, có sự đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước; nhưng chuyện cất nhắc người thân, khi trở thành “hiện tượng” phổ biến thì chất lượng của những người đó sẽ không còn được đảm bảo như thành tố xuất sắc; vô hình trung, ta sẽ bỏ qua chất lượng, bản lĩnh, kiến thức, trí tuệ và phẩm hạnh, vốn là những điều phải được rèn luyện.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, việc này ở đâu đó trong thời gian qua đang bị xem nhẹ, bỏ qua, trong bộ máy nhà nước xuất hiện hiện tượng “cả nhà làm quan”, người thân quen, bà con nắm giữ quá nhiều vị trí công tác trong hệ thống bộ, ngành, địa phương là sai. Bởi từ đó sẽ dẫn đến “cấu kết quyền lực”. Khi cấu kết quyền lực sẽ bắt đầu xuất hiện tham nhũng, tha hóa của bộ máy; vì vậy việc chọn lọc, đề bạt, cất nhắc phải đảm bảo theo yêu cầu như Quy định 205 đã đề ra; đó là phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”- ông Sơn nói.
Ông Lê Công Nhường.
Chọn người có đức, có tài, không chạy theo bằng cấp
Cho rằng cán bộ là yếu tố then chốt quyết định mọi thành công do đó để bộ máy trong sạch, theo ông Lê Công Nhường (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ phải chọn được người vừa có đức, vừa có tài để xây dựng bộ máy và lãnh đạo đất nước đi lên trong thời kỳ hội nhập. Ông Nhường cho rằng: Bên cạnh các tiêu chí cần thiết, nên bỏ bớt những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà hướng tới sử dụng tài năng của họ. Vì tài năng theo lĩnh vực chuyên môn nên không nhất thiết phải đặt ra các điều kiện như: Có tiêu chuẩn chính trị từ trung cấp trở lên. Theo ông Nhường, thời kỳ trước đây Đảng và Bác Hồ đã từng sử dụng những nhà trí thức, nhà tư sản, miễn là họ có tài năng, khát vọng cống hiến cho đất nước. Vì thế nên tổ chức thi tuyển đầu vào đối với các chức danh từ lãnh đạo sở, vụ trở lên…
Trong lựa chọn người tài, ông Lê Công Nhường cho rằng: Hiện nay đang có hiện tượng “chảy máu” chất xám từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân nhưng chưa thấy chính sách thu hút nhân tài từ khu vực tư nhân vào khu vực nhà nước. Chính những rào cản về bằng cấp, tiêu chuẩn lý luận chính trị nên họ không thể tham gia được, do đó cần có những cơ chế để thu hút người tài ở khu vực ngoài nhà nước vào bộ máy; miễn tài năng phù hợp với sự phát triển của đất nước thì có thể sử dụng. “Công tác cán bộ rất quan trọng, và đó là việc của Đảng. Bộ máy có mạnh hay không đều do công tác cán bộ mà nên. Vì vậy cần nâng cao hơn nữa công tác cán bộ, Đảng cần có cơ chế thu hút, lựa chọn người xứng đáng vào bộ máy. Cái khó hiện nay là thu hút người có tài nhưng phải có đức. Cho nên không quá đặt nặng những tiêu chuẩn về bằng cấp mà nên đi vào chọn người có thực tài và lòng yêu nước. Riêng những lĩnh vực cần chuyên gia cố vấn có thể “mở rộng” để nhiều người có thể tham gia, nhất là đội ngũ trí thức Việt kiều là những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu, các nhà nghiên cứu. Như trong Tổ tư vấn về Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có các chuyên gia là những kiều bào”-ông nói.
Tuy nhiên, để xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, gần dân, một yếu tố được ông Lê Công Nhường nhắc đến là phải có dân chủ và giám sát quyền lực giữa các quyền: Hành pháp - tư pháp - lập pháp. Một xã hội dân chủ phải có trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình trước nhân dân để mọi hành vi của anh để dân thấy rõ: Ai vì dân vì nước, ai thu vén cá nhân. Quy chế dân chủ ở cơ sở mà thực hiện tốt sẽ dần dần hạn chế được tình trạng tham nhũng, hạn chế người cơ hội luồn sâu vào trong bộ máy nhà nước.
Ông Lê Công Nhường cũng cho rằng: “Vấn đề kiểm soát quyền lực quan trọng nhất vẫn là giám sát của nhân dân, MTTQ Việt Nam. Vì vậy làm sao cần phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam đối với cán bộ đảng viên tại khu dân cư. Như vậy sẽ giúp bộ máy trong sạch và cải thiện chất lượng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của báo chí. Khi báo chí thông tin phản ánh về sự việc cụ thể, các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Bởi báo chí đã thông tin cũng có nghĩa người dân cần thông tin. Nhân dân là tất cả. cán bộ phải chịu sự giám sát của nhân dân”.
Bồi dưỡng đào tạo cán bộ trẻ
Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Việc đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ để tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông là điều cần thiết được quan tâm trong thời gian tới để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước. Các cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, hấp thụ những yếu tố khoa học tiến bộ nhưng tư duy đó phải được đặt đúng chỗ đúng lúc, “trái tim phải ấm”, “tư duy phải đúng”, trẻ là nhiệt huyết, xốc vác chứ không phải trẻ con, suy nghĩ thiển cận. Tâm lý của thanh niên là luôn háo hức, thích xông pha, xốc vác, tìm hiểu cái mới nhưng chúng ta là những người đi trước, cần bồi đắp định hướng dìu dắt cho lực lượng trẻ đi đúng theo mục tiêu chiến lược phát triển của đất nước đã đặt ra. Đừng để các cán bộ trẻ đơn độc trong môi trường tự mình phải “vẫy vùng” trong xác định hướng đi để đóng góp cho đất nước. Lực lượng cán bộ trẻ là nguồn lực phong phú mạnh mẽ cho những chặng đường phát triển tiếp theo của đất nước. Cho nên cần kế cận, bồi đắp, tạo môi trường thuận lợi nhất, ưu việt tốt nhất để cán bộ trẻ chính thức “nắm tay” cho sự phát triển.Cán bộ phải được rèn luyện, thử thách
Ông Nguyễn Bá Sơn: Cán bộ phải được tăng cường rèn luyện, thử thách, và luôn luôn rèn luyện thử thách. Vì khi đã trao cho anh quyền lực, nắm trong tay quyền lực rất có thể có xu hướng bị tha hóa. Do vậy chống tha hóa quyền lực không gì khác hơn là phải luôn luôn rèn luyện và rèn luyện liên tục. Trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ đảng viên. Vì thế bây giờ và mãi mãi về sau vẫn như thế. Công cuộc chỉnh đốn Đảng lần này tôi kỳ vọng sẽ thay đổi, làm bằng được những gì mà di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Đó là những cái không phải xa vời, vì tất cả các cái đó đã từng tồn tại trong bộ máy nhà nước của chúng ta từ khi Nhà nước ra đời cho đến ngày nay.Phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam
Ông Lê Công Nhường: Cần phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, HĐND, MTTQ Việt Nam. Chính vì vậy khi cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, không nên sử dụng nhiều người ở bộ máy hành pháp trong quá trình lập pháp. Như vậy giống như kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa thực thi pháp luật, vừa giám sát pháp luật. Khi soạn thảo luật, các bộ trưởng nhiều việc thường giao lại việc xây dựng cho các vụ, dẫn đến việc cài cắm các điều kiện để thể hiện quyền năng của mình trong quản lý, nảy sinh cơ chế xin - cho. Nếu đại biểu Quốc hội không rõ và nắm kỹ thông tin trước khi quyết định bấm nút thông qua, khi luật áp dụng nhân dân sẽ than phiền.