Chào đón năm mới 2021, sáng ngày 1/1, tại Công viên 3/2 nằm ở bờ Nam sông Hương, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ ra mắt Dàn nhạc kèn Huế.
Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế; Bí thư Thành ủy Huế; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà hát kịch TP HCM và công chúng yêu mến nghệ thuật ở Huế đã đến chia vui trước sự kiện âm nhạc này.
PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định,việc phục hồi Câu lạc bộ kèn Huế không chỉ nhằm bảo tồn một nét độc đáo của truyền thống văn hóa Huế mà còn là niềm động viên đối với giới âm nhạc Việt Nam.
Hội Âm nhạc Việt Nam sẽ cùng Thừa Thiên-Huế tổ chức Liên hoan nhạc kèn quốc gia tại Huế,vì đây là nơi đầu tiên ở Việt Nam thành lập Dàn nhạc kèn hơi và Câu lạc bộ Dàn nhạc kèn Huế hiện là tổ chức hoạt động âm nhạc đầu tiên được Chính quyền ra Quyết định thành lập.
Theo Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban vận động thành lập Dàn nhạc kèn Huế, âm nhạc phương Tây bắt đầu phổ biến tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Một sự kiện lớn đối với nền tân nhạc Việt Nam: ngày 11/11/1918, Dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập tại Huế, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam. Dàn nhạc được tổ chức thành ba bộ: bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ với biên chế khoảng 64 nhạc công.
Năm 1919, Vua Khải Định cũng cho thành lập riêng một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp tại Huế. Dàn nhạc này nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức.
Tiếp đó, năm 1920, đội kèn đồng của lính Khố xanh Huế ra đời, ngoài phục vụ nghi lễ còn thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển và lãng mạn vào chiều chủ nhật tại “Nhà Kèn” trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Huế.
Một điều đáng chú ý là các dàn nhạc kèn hơi ở Huế lúc bấy giờ có trình độ chuyên môn khá tốt nên thường được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trong nước (biểu diễn ở Sài Gòn, Hà Nội).
Đặc biệt, năm 1931, dàn nhạc kèn hơi của Huế đại diện cho Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế Paris. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có dàn nhạc kèn hơi đi biểu diễn quốc tế.
Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Vua Bảo Ðại - vị vua của triều đại phong kiến cuối cùng được tổ chức tại Ngọ Môn. Góp phần vào buổi lễ long trọng ấy là dàn nhạc gồm 130 nhạc công kèn hơi. Trên Kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca” lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên phần phật bay giữa trời Huế tự do độc lập”.
Từ sau 1975, sinh hoạt Kèn hơi ở Huế bị mai một. Để phục hồi truyền thống âm nhạc Huế, đầu năm 2020, Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội soạn thảo Đề án phục hồi Câu lạc bộ Kèn Huế và tổ chức biểu diễn; triển khai thực hiện với kinh phí xã hội hóa và đã nhận được sự tài trợ, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex (trên 1,9 tỷ đồng) đầu tư đồng bộ nhạc cụ kèn, trống, và cả kinh phí tổ chức tập luyện, biểu diễn và Công ty Scavi Huế đã tài trợ trang phục biểu diễn cả hiện đại và truyền thống cho Dàn nhạc Kèn Huế.
Câu lạc bộ Dàn nhạc Kèn Huế bước đầu có 50 thành viên, trong đó có 40 nghệ sỹ chơi kèn. CLB đã xây dựng phương án, mô hình tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp hàng tuần tại nhà Nhà kèn và một số địa điểm khác, tổ chức biểu diễn trong các lễ hội và Festival Huế, các lễ hội khác của tỉnh nhà.