Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhiều đại biểu đã nhất trí với sự cần thiết với sự ban hành của dự án luật bởi nếu được thông qua, luật không chỉ giảm chi phí cho ngân sách, toà án mà còn giảm chi phí cho xã hội.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định trong dự thảo luật là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành. “Cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành”- ông Bình cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự án luật mang tính xã hội nhân văn rất cao. Bởi khác với các đối thoại trước đây, đây là kênh mới nhưng kênh này xuất phát từ khi tòa án nhận được đơn cho nên mới gọi là hòa giải đối thoại tại tòa án. Có nghĩa là bây giờ luật mở ra con đường mới, xuất phát từ khi tòa án nhận được đơn vẫn là đơn khởi kiện, vẫn là đơn yêu cầu. Chánh án phân công thẩm phấn, thẩm phán làm việc với người uy tín tham gia vào quá trình hòa giải. Hòa giải đối thoại này vừa mang tính chất pháp lý, vừa mang tính xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, dự thảo luật cần xác định rõ bản chất của hòa giải, đối thoại trong tố tụng hay ngoài tố tụng và mối quan hệ hòa giải, đối thoại tại tòa với thủ tục hòa giải, đối thoại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tại tòa án. Theo đó cần tiếp tục rà soát các quy định về thủ tục hòa giải đối thoại tại tòa theo Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính để tránh chồng chéo. Đối với tiêu chuẩn hòa giải viên dưới 70 tuổi, và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải của tòa án, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hòa giải viên, đối thoại viên rất cần người có kinh nghiệm, uy tín, có thời gian công tác ở các cơ quan pháp luật. Do đó không nên chú trọng tới tuổi và cũng phải cần đặt trong sự tương quan giữa những quy định này với các chức danh của luật sư, công chứng viên.