Không ít người khi đi lễ hội dịp Xuân đã rải tiền lẻ để cầu may mắn trong năm mới. Vậy có vi phạm pháp luật không, nếu có bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam. Trong đó phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ; Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ; Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật
Cùng đó là hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Như vậy, trong trường hợp cá nhân rải tiền lẻ khi đi lễ hội thì có thể xem đây là hành vi hủy hoại tiền. Cá nhân vi phạm hành vi này có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Tổ chức vi phạm có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Còn trong trường hợp làm giả tiền lẻ sử dụng vào dịp lễ hội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người làm giả tiền lẻ với mục đích sử dụng vào dịp lễ hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân, bên cạnh đó còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.