Từ ngày 15/6 tới, khi Nghị định 52/2017/NĐ-CP về điều kiện cho vay lại nguồn vốn vay ODA với các địa phương chính thức có hiệu lực. Địa phương muốn vay vốn ODA sẽ phải có ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn rất nhiều.
Từ tháng 7/2017, Việt Nam không còn được vay vốn WB theo điều kiện ODA. Trong khi đó, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2017 dự kiến lên đến 99.000 tỷ đồng, bằng mức vay năm 2016 và gần gấp 3 lần mức vay năm 2015 (36.000 tỷ đồng). Tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay ODA năm 2016 là 43.000 tỷ đồng, theo kế hoạch năm 2017 giảm xuống 26.000 tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất cập nhật vào ngày 9/6, cũng trong tháng 5/2017 này, giải ngân vốn vay nước ngoài đạt khoảng 8.780 tỷ đồng (tương đương với khoảng 393,4 triệu USD). Lũy kế đến 22/5/2017, đã giải ngân khoảng 28.706 tỷ đồng (tương đương với khoảng 1.290 triệu USD). Số trả nợ nước ngoài từ ngân sách nhà nước tháng 5 - 2017 là 8,8 triệu USD, lũy kế 5 tháng là 650 triệu USD.
Ngân sách nhà nước ngày càng nặng gánh với nợ công, trong khi đó, việc đi vay nợ vốn nước ngoài với lãi suất ưu đãi không như trước nữa. Nếu như trước kia, các địa phương coi vốn ODA như “món quà” miễn phí mà Trung ương ban tặng nên địa phương nào “giỏi xin” thì sẽ được cho mà không nhất thiết phải gắn với hiệu quả kinh tế xã hội của đồng vốn được sử dụng. Đặc biệt là trách nhiệm trả nợ đầy đủ và đúng hạn không được các địa phương quan tâm. Nay mọi chuyện đang phải khác đi, khi tiếp cận vốn đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn, việc đi vay phải theo một nguyên tắc: có vay có trả, trả đúng hẹn.
Cơ chế xin cho cũ đã khiến cho địa phương luôn ỷ lại, dựa vào mối quan hệ để “vác rá” đi vay tiền. Điều này khiến cho hiệu quả sử dụng nguồn vốn đi vay thấp. Có địa phương đi vay về xây dựng các công trình lớn rồi để trống. Cũng theo Nghị định 52, mức vay của địa phương sẽ được xác định theo năng lực tài chính của địa phương. Việc vay nợ quan trọng nhất là bảo đảm khả năng trả nợ và sự bền vững về tài chính.
Các địa phương sẽ không được cấp phát mà phải vay lại vốn ODA từ Chính phủ. Điều kiện để địa phương vay lại vốn ODA từ Chính phủ là có dự án được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn vay để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; dự án có phần vốn góp của ngân sách địa phương (NSĐP) theo phương thức hợp tác công tư, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương; dự án được bố trí vốn đối ứng để thực hiện phù hợp với quy định hiện hành.
Cũng theo quy định, tổng mức vay tại thời điểm thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không vượt quá hạn mức dư nợ của NSĐP. Đặc biệt, địa phương muốn vay ODA phải không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày, vốn vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu NSĐP được hưởng theo phân cấp tại thời điểm xem xét khoản vay lại.
Tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay ODA cũng được Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định. Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối NSĐP từ 70% trở lên, được vay lại là 10% vốn vay ODA; tương tự địa phương cân đối NSĐP từ 50% đến dưới 70% được vay lại 20% vốn vay ODA… Riêng Hà Nội và TPHCM được áp dụng tỷ lệ vay lại 80% vốn vay ODA.
Theo khẳng định của các chuyên gia, ODA là nguồn vốn vay nên địa phương phải đảm bảo được năng lực trả nợ. Phải tạo điều kiện cho địa phương đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương, nó giống như một phần thưởng, tạo thêm động lực phát triển cho địa phương. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, chia đều miếng bánh vốn ODA mãi sẽ dẫn tới tình trạng địa phương càng ít đóng góp càng được hưởng lợi nhiều. Việc cho địa phương vay lại ODA cũng tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường.