Cứ mỗi dịp cuối năm, vấn nạn “thực phẩm bẩn” lại được cảnh báo. Mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, là mối đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Vừa qua, khi kiểm tra nhà hàng tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện hơn 500 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở cho biết, số rượu này được đặt của người dân tự nấu và ngâm. Biết bán rượu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt, nhưng vì lợi nhuận nên chủ cơ sở vẫn kinh doanh.
Vấn nạn rượu giả, rượu lậu vẫn chưa bao giờ hết “nóng”. Đã có không ít vụ việc thương tâm xảy ra khi các nạn nhân sử dụng những loại rượu này. Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu với con số tử vong lên tới hàng chục người. Trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; Do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm như uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; Do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây), hoặc ngâm với động vật...
Bên cạnh ngộ độc rượu, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và lo ngại, nhất là ở khu công nghiệp đông người. Thủ phạm của các vụ ngộ độc được tìm thấy chủ yếu là các vi khuẩn Salmonella, E.coli, chất histamin, vi sinh vật Bacillus cereus… có trong thức ăn.
Vụ 150 công nhân tại Công ty TNHH Sunrese Apparel Việt Nam (Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu sau bữa trưa được xác định là do chất histamin với hàm lượng cao có trong món cá thu ù kho trong bữa ăn. Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Shinsung Vina sau bữa liên hoan ngày 20/10 khiến 91 người nhập viện cấp cứu. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, nguyên nhân ngộ độc do vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho hay, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Để bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…
Trước thực trạng thời gian qua, cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn, Chính phủ đã có Chỉ thị số 38 ngày 11/10/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có).
Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 10/2024, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.561 người bị ngộ độc, trong đó có 12 người tử vong.