Đồng bào Công giáo Hà Nội vừa cho ra đời mô hình “Người Công giáo trồng rau an toàn” tại 2 huyện Đông Anh và Mê Linh. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Tiến sĩ Phạm Huy Thông- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội khẳng định: Làm sao mỗi sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không cần nhãn mác là rau sạch mà chỉ ghi rau của người Công giáo Hà Nội sản xuất là đã đủ tin tưởng.
TS Phạm Huy Thông.
PV: An toàn thực phẩm đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đồng bào Công giáo trên địa bàn Thủ đô đã có ý thức như thế nào đối với việc này, thưa ông?
Ông Phạm Huy Thông: An toàn thực phẩm hiện đang là vấn đề khiến cả nước quan tâm và bà con đồng bào Công giáo cũng là một bộ phận ở trong đó. Trong một chuyến đi công tác cơ sở, tôi có đi qua huyện Đông Anh, thấy bà con có ghi là vườn rau an toàn. Tôi hỏi ai là chủ nhân của vườn rau thì được biết đó là của ông Trùm một họ giáo. Qua tìm hiểu, tôi biết vườn rau đó chỉ có 60% là rau an toàn, 40% còn lại vẫn chưa đạt. Bản thân ông chủ vườn rau cũng không ăn rau này mà ăn rau được trồng riêng tại hộp xốp trên sân thượng. Tôi rất phản đối việc này.
Gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất nóng nên chúng tôi đưa nó vào chương trình hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố. Với 2 huyện có đông đồng bào công giáo như Đông Anh, Mê Linh chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để biến nơi này thành nơi cung cấp rau sạch cho nhân dân trong vùng. Mẫu mã sản phẩm cũng không cần ghi vào nhãn mác là rau sạch mà chỉ ghi là rau của người Công giáo Hà Nội sản xuất là đã đủ tin tưởng rồi.
Hiện, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với nhiều giáo dân ở Đông Anh và Mê Linh để cùng hợp tác. Để sản xuất rau sạch, chúng tôi cũng đưa ra một quy trình sản xuất và liên hệ với ngành khoa học cũng như bên bảo vệ thực vật để nhờ họ giúp đỡ trong việc đưa ra quy trình sản xuất chuẩn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có giám sát xem người dân có làm đúng quy trình không. Với những hộ gia đình tham gia sản xuất rau an toàn đều phải cam kết sản xuất rau sạch. Những hộ nào không làm đúng cam kết sẽ có hình thức xử phạt.
Với mô hình trồng rau an toàn, đồng bào Công giáo của hai huyện Đông Anh, Mê Linh có hưởng ứng tích cực hay không và kết quả của mô hình đến đâu thưa ông?
-Hiện nay, cả hai ban đoàn kết Công giáo của 2 huyện Đông Anh và Mê Linh đều đã xuống trao đổi trực tiếp với từng người dân và nhiều giáo dân cũng đã xin đăng kí tham gia. Tuy nhiên, việc này không chỉ Ban Đoàn kết Công giáo của hai huyện bắt tay làm là được ngay mà cần sự giúp đỡ từ phía chính quyền. Đây không chỉ là vấn đề rau sạch cung cấp cho người Công giáo mà cung cấp cho toàn xã hội nên huyện cũng phải giúp đỡ mọi mặt kể cả quy trình, hỗ trợ kĩ thuật, giúp giám sát, tiêu thụ và nếu chất lượng đảm bảo đúng như cam kết thì phải có sự “bảo lãnh” chứ không thể cứ để tình trạng rau bẩn dán mác rau sạch tràn lan như hiện nay thì sẽ rất khó cho bà con làm ăn chính đáng.
Theo ông, trong các bước thực hiện để sản xuất rau an toàn đối với đồng bào Công giáo thì khó khăn gặp phải lớn nhất là gì?
-Theo tôi, cái khó lớn nhất của nông dân nói chung đó là tính chất ăn xổi ở thì, muốn ăn ngay, muốn hưởng lợi ngay, không muốn tính đến cái lâu dài, bền vững. Bà con lo lắng nếu sản xuất rau an toàn sẽ tốn nhiều công, hiệu quả kinh tế không cao nên nhụt chí. Ngoài ra, ở bên ngoài hiện tượng rau sạch thật giả lẫn lộn cũng khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ. Để giải quyết một phần khó khăn giúp bà con, chúng tôi cũng đang mò mẫm thí nghiệm sử dụng chế phẩm thuốc trừ sâu làm bằng tỏi, ớt, gừng pha với rượu nặng để phun lên rau. Việc làm này phần nào đã có tác dụng.
Thưa ông, để đồng bào Công giáo Thủ đô sản xuất rau an toàn mang tính chất bền vững thì cần phải có các biện pháp triển khai như thế nào?
-Theo tôi, trước mắt làm sao để người nông dân thấy được cái lợi lâu dài mà tự thay đổi ý thức. Trong các lớp giảng dạy về học thuyết xã hội Công giáo của các địa phương, tôi cũng dạy về cách thức làm ăn để giữ được phẩm chất người Công giáo là làm không phải vì lợi cho mình mà còn phải lợi cho cộng đồng. Người Công giáo luôn quan niệm rằng, của cải không phải tuyệt đối, vì nguyên tắc lao động là cha, đất là mẹ của của cải vật chất chứ thuần túy bàn tay ta không làm được. Cho nên của cải làm ra luôn có một phần của nhân loại và chúng ta phải chia sẻ cho những người kém may mắn hơn về sức khỏe, trí tuệ, tài năng.
Theo ông, trong công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm cần phải đưa ra chiến lược thế nào để thay đổi ý thức của người dân nói chung và bà con Công giáo nói riêng vì những vấn đề như cơm áo, gạo tiền luôn thôi thúc, khiến họ làm sai?
-Người ta nói “dạy con từ thuở còn thơ” nhưng nay con đã lớn, đã trưởng thành, đã tiếp thu bao nhiêu thứ nếu muốn uốn nắn lại quả thật không đơn giản, ngay cả đồng bào Công giáo cũng vậy. Bây giờ chúng ta phải ý thức lại, phải xây dựng lại lối sống, lối ứng xử không chỉ vì mình mà còn vì đồng loại, sống hài hòa với thiên nhiên thì mới dần thay đổi được hiện trạng này.
Trân trọng cảm ơn ông!