Bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhiều trường Đại học (ĐH) chính thức áp dụng mức tăng học phí theo lộ trình. Gánh nặng học phí trở thành nỗi lo của rất nhiều sinh viên. Lời giải nào cho bài toán giảm áp lực cho người học?
Nhiều chính sách học bổng hỗ trợ
Theo đó, trong năm học tới, rất nhiều trường ĐH thực hiện điều chỉnh tăng học phí được các trường thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo được áp dụng.
Theo Nghị định 81, mức trần học phí thấp nhất với các trường đại học chưa tự chủ tài chính năm học 2022-2023 là 1,2 triệu đồng/tháng, mức học phí tối đa là 2,45 triệu đồng/tháng và tăng theo lộ trình trong các năm tiếp theo.
Đáng nói, với các cơ sở tự chủ tài chính, mức học phí có thể tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với mức học phí trên, tùy theo mức độ tự chủ của các trường.
Đặc biệt, ở khối ngành Y - Dược, mức học phí tăng đến 71,3%. Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%.
Theo đại diện phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, nhà trường đã xác định tăng học phí của chương trình đào tạo. Mức học phí này cũng đã được hội đồng đánh giá, nghiệm thu và phê duyệt từ cơ quan chủ quản.
Đặc biệt, trường ĐH Kinh tế cũng đã xây dựng và ban hành lại chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo mới có nhiều giá trị vượt trội hơn so với các chương trình đào tạo trước đây. Điều này hứa hẹn sẽ nâng cao được chất lượng chương trình, là cơ sở để tính đủ chi phí duy trì, phát triển chương trình đào tạo.
Ngoài ra, nhằm giảm áp lực học phí tăng cho sinh viên, nhiều trường ĐH đã có những chính sách học bổng mới.
Đại diện trường ĐH Kinh tế cho biết, nhà trường rất tích cực trao đổi làm việc với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để thu hút học bổng cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể theo đuổi ước mơ ĐH của mình. Nhà trường cũng đã có những gói học bổng cho sinh viên lên đến 100 triệu đồng.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dành khoảng 60 - 70 tỷ đồng làm Quỹ học bổng khuyến khích học tập cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Học bổng được xét theo học kỳ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên.
Ngoài ra, nhà trường còn có học bổng hỗ trợ học tập Trần Đại Nghĩa xét cấp cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; học bổng tài trợ từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân.
Quan trọng là chất lượng đào tạo
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các chính sách liên quan đến học bổng, các trường cũng cần lưu ý đến các chính sách cho vay lãi suất thấp cho sinh viên. Bởi nhiều chính sách học bổng các trường đưa ra đặt nhiều nghi vấn về việc chỉ là chiêu trò để thu hút thí sinh trước thềm năm học mới.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương khẳng định, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao chính là mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục ĐH. Do vậy, việc cân nhắc tăng mức học phí để người dân thu nhập trung bình, thu nhập thấp có thể tiếp cận được với giáo dục chất lượng cao là điều rất quan trọng.
Học phí của nhiều trường ĐH vốn đã đắt đỏ, trong khi ngay năm học tới, rất nhiều trường còn áp dụng mức tăng học phí theo lộ trình cũng là một trong những khó khăn của các gia đình không có điều kiện kinh tế. Cơ hội cho con em họ được tiếp cận với các trường ĐH top đầu này sẽ có phần “yếu thế” hơn.
Do đó, theo chuyên gia, ngoài những chính sách học bổng, cho vay lãi suất thấp, khi tăng mức học phí, các trường cần có cam kết nâng cao chất lượng đào tạo. “Người dân chỉ có thể chấp nhận mức tăng học phí với điều kiện con em họ được học tập trong một môi trường hiện đại hơn, chất lượng tốt hơn chứ không chỉ bởi vài chính sách học bổng”, chuyên gia nhấn mạnh.
TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng khẳng định, để đảm bảo công bằng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có biện pháp kiểm soát việc tăng học phí chứ không thể thả nổi cho các trường. Bởi nếu học phí tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình thì dù đam mê đến mấy, người học cũng không thể gánh nổi học phí.