Ngày 8/2, Thanh tra Chính phủ tiến hành bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2023. Đây là năm thứ hai Thanh tra Chính phủ cùng các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) lựa chọn 67 cán bộ tại 9 cơ quan, tổ chức, đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập. Trong đó, Bộ Công thương nhiều nhất với 17 người. Bộ Giáo dục và Đào tạo 16 người. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 11 người. Bộ Giao thông vận tải 7 người. Bộ Thông tin và Truyền thông 4 người. TTCP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam mỗi nơi 3 người.
Thời điểm tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 67 cán bộ nêu trên là từ quý 2 cho đến hết năm 2023. Nội dung xác minh gồm: Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Trước đó, tháng 10/2022, TTCP cũng đã triển khai bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ tại 7 cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Những người này có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên.
Như vậy, so với lần trước, lần này TTCP tiến hành bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập nhiều hơn (9 cơ quan so với 7 cơ quan; 67 người so với 30 người).
Cũng cần nhắc lại, theo Quyết định 70 được TTCP ban hành ngày 8/3/2021, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức bao gồm 6 bước:
Bước 1: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành quyết định xác minh và thành lập tổ xác minh.
Bước 2: Tổ xác minh yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình.
Bước 3: Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh.
Bước 4: Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập. Đánh giá về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; trong việc giải trình... Kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Bước 5: Kết luận xác minh tài sản, thu nhập về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của việc kê khai tài sản, thu nhập; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Bước 6: Trong thời hạn 5ngày kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, người ra quyết định xác minh có trách nhiệm công khai bản kết luận tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được xác minh thường xuyên làm việc.
Trên thực tế, việc kê khai tài sản, kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ vẫn nhận được nhiều ý kiến. Chủ yếu là người kê khai có trung thực không, trong trường hợp bị phát hiện không trung thực xử lý thế nào. Và cũng rất đáng nói là sau kê khai thì cũng rất hiếm cán bộ kê khai “lộ” ra những khối tài sản có thể nói là không rõ nguồn gốc.
Không chỉ dư luận mà ngay cả các vị đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần nói về việc này. Theo ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì việc minh bạch tài sản, kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Hòa cũng cho rằng, việc bốc thăm ngẫu nhiên tiến hành với 10% số cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai hằng năm là ít, nhưng quan trọng hơn là kết quả thực hiện xác minh ra sao và xử lý những tài sản bất minh đó thế nào.
“Không ít cán bộ, công chức có rất nhiều tài sản nhưng tài sản đó không biết xuất phát từ đâu, ra sao, thậm chí có người giải thích do vợ con, người thân làm doanh nghiệp, kinh doanh kiếm ra. Những việc này cần được làm rõ qua việc xác minh để thông tin công khai” - ông Hòa nói và cho rằng việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức vẫn là khâu yếu. Chỉ khi nào kiểm soát được tài sản mới có thể trở thành giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn hiện tượng xuê xoa, cả nể. Phải tránh được điều này và đặc biệt khi phát hiện người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Còn theo ông Phạm Trọng Đạt - nguyên cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (TTCP) thì cần sửa đổi quy định của luật pháp, cho phép tịch thu các tài sản bất minh khi đã được chứng minh, điều tra xác định.