Rơi máy bay Ai Cập: Lỗi kỹ thuật hay khủng bố?

20/05/2016 19:00

Phía quân đội Ai Cập chiều 20/5 cho hay, họ đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn mang số hiệu MS804 của hãng hàng không EgyptAir trên biển Địa Trung Hải, ở vị trí cách thành phố bờ biển Alexandria 290 km về phía Bắc. Hải quân nước này cũng tìm thấy nhiều vật dụng của hành khách trên chuyến bay và hiện đang tìm kiếm thiết bị “hộp đen”.

Tuyến đường bay và vị trí gặp nạn của MS804 (Nguồn: NBC).

Quân đội các nước Hy Lạp, Ai Cập, Pháp và Anh hiện đã tham gia vào chiến dịch tìm kiếm gần đảo Karpathos của Hy Lạp. Hy Lạp cho hay, dữ liệu từ radar của họ cho thấy rằng chiếc Airbus A320 gặp nạn đã có 2 cú lượn rất ngoặt và giảm độ cao đột ngột xuống 7.620 m trước khi lao xuống biển. Ai Cập còn cho rằng dường như chiếc máy bay này đã bị bắn hạ bởi khủng bố hơn là bị rơi do lỗi kỹ thuật.

Đa phần hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu MS804 đến từ Ai Cập và Pháp. Các báo cáo ban đầu mà các nhà chức trách đưa ra hôm 19-5, dựa trên các bình luận của giới chức Ai Cập, ban đầu nói rằng họ đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay nhưng thực tế thông tin này không được xác thực và bị giới chức Hy Lạp bác bỏ.

Tiêu điểm điều tra

Đến nay, vẫn chưa có một dấu vết nào được tìm thấy lý giải được vì sao chiếc máy bay này lại bị rơi, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói sáng ngày 20-5. Pháp đã cử 3 điều tra viên từ cơ quan điều tra tai nạn hàng không của họ, cùng cố vấn kỹ thuật từ hãng Airbus, đến Ai Cập tham gia quá trình điều tra.

Pháp còn đang tập trung vào điều tra khả năng rò rỉ an ninh có thể xảy ra tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle ở thủ đô Paris. Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia bắt đầu lo sợ về khả năng một số thành viên phi hành đoàn có thể có liên hệ với những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Eric Moutet, một luật sư đại diện cho một số nhân viên sân bay tại sân bay Charles de Gaulle, nói với hãng tin BBC rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan từng cố gắng lôi kéo các nhân viên ngành hàng không gia nhập tổ chức của chúng.

Hồi tháng 10 năm ngoái, một chiếc máy bay Airbus A321 thuộc hãng hàng không Metrojet của Nga đã nổ tung trên bán đảo Sinai của Ai Cập, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng. Tỉnh Sinai, nơi mà một nhánh của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang đóng, cho rằng nhóm phiến quân này đã bí mật mang bom lên khoang máy bay.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đề cập tới vấn đề khủng bố khi ông nói về vụ máy bay rơi vừa qua: “Chúng tôi sẽ đưa ra kết luận khi tìm ra sự thực về điều gì đã xảy ra. Dù nó là một vụ tai nạn, hay như điều mà các bạn có thể đang nghĩ, một vụ khủng bố”.

Mô tả các cú ngoặt bất thường của chiếc Airbus A320 trước khi mất độ cao và gặp nạn (Nguồn: BBC).

Máy bay quay ngoặt 360 độ

Được biết chuyến bay mang số hiệu MS804 đã rời Paris vào khoảng 23h09 ngày 18-5 (4h09 sáng 19-5 giờ Việt Nam) và dự kiến sẽ tới thủ đô Cairo của Ai Cập sau 3h15 ngày 19-5 (8h15 ngày 19-5 giờ Việt Nam).

Trên khoang máy bay là 56 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn và 3 nhân viên an ninh. Giới chức hàng không Hy Lạp nói rằng, các đài kiểm soát không lưu của họ đã nói chuyện với phi công khi chiếc máy bay này đi vào không phận Hy Lạp và mọi chuyện vẫn diễn ra rất suôn sẻ.

Đài không lưu đã cố gắng liên lạc với phi công một lần nữa vào lúc 2h27 sáng 19/5 (giờ Ai Cập) khi máy bay sắp tiến vào không phận Ai Cập, nhưng lúc đó bất chấp các cuộc gọi tới liên tiếp, phi công không trả lời. Và chỉ 2 phút sau đó, chuyến bay này đã biến mất khỏi màn hình radar.

Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos hôm 20-5 đã nói trước báo giới: “Bức ảnh mà chúng tôi có được vào thời điểm của vụ tai nạn, cho thấy rằng chiếc máy bay trên đã đi vào bên trong Vùng Thông báo Bay (FIR) của Ai Cập khoảng 10-15 dặm, và ở độ cao khoảng 12.800 m”.

“Nó đã bẻ lái một góc 90 độ về bên trái và sau đó quay vòng một góc 360 độ lần nữa về bên phải, đồng thời hạ độ cao từ 12.800 m xuống còn 5.200 m, và sau đó mất tín hiệu sau khi xuống độ cao 3.480 m” - ông Kammenos cho biết thêm.

Bộ trưởng Hàng không Ai Cập, ông Sherif Fathi, thì cho hay: “Đừng thiên về giả thuyết lỗi kỹ thuật, mà ngược lại. Nếu bạn phân tích kỹ tình huống, sẽ nhận ra rằng khả năng xảy ra một vụ tấn công khủng bố rõ ràng cao hơn khả năng lỗi kỹ thuật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rơi máy bay Ai Cập: Lỗi kỹ thuật hay khủng bố?