Mong muốn xếp hạng nhà chung cư để người mua nhà không bị lầm về chất lượng và giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xác định tiêu chí xếp hạng nhà chung cư vẫn chưa ngã ngũ.
Chung cư được xếp hạng theo chuẩn chất lượng và dịch vụ.
Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về phân hạng và công nhận nhà chung cư. Theo dự thảo thông tư này, chung cư được chấm điểm dựa vào bốn nhóm tiêu chí, bao gồm tiêu chí quy hoạch kiến trúc; hệ thống kỹ thuật hạ tầng khu ở; mức độ và chất lượng hoàn thiện; tiện ích, chất lượng dịch vụ quản lý vận hành.
Từ những yêu cầu trên mới đi đến xếp thành 3 hạng A, B, C cho chung cư. Cụ thể, chung cư hạng A có số điểm cao nhất với điểm số từ 90 - 100 điểm, hạng B từ 80 - 90 điểm, còn nhà hạng C dưới 80 điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS cho biết, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan quyết định phân hạng chung cư hạng A là công trình cấp 1. Sở xây dựng các tỉnh - thành là cơ quan quyết định công nhận các chung cư còn lại. Nhận định về ưu điểm của quy định mới sẽ áp dụng trong thời gian tới đây rất nhiều ý kiến khẳng định, việc phân hạng chung cư là căn cứ xác định giá trị tòa nhà, là cơ sở để áp dụng mức giá dịch vụ quản lý, vận hành mà UBND các tỉnh – thành áp dụng. Điều này liên quan đến quyền lợi của khách hàng. Ngoài ra, phân định thứ hạng chung cư có thể tránh được những kiện tụng không đáng có về giá dịch vụ và quản lý chung cư.
Tuy nhiên, một số quan điểm trái chiều thắc mắc, khi bàn giao xong thì chất lượng có còn giữ được hay không? Chủ đầu tư đăng ký hạng chung cư trước rồi mới triển khai xây dựng nhưng bàn giao sản phẩm không đúng, không đạt chất lượng thì chủ đầu tư phải bồi thường ra sao?
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc công ty Savita băn khoăn, việc công nhận sẽ thực hiện sau khi công trình hoàn thành hay trước lúc công bố bán? Bởi thực tế, việc phân hạng quyết định giá bán. Thực tế không ít trường hợp khi bán, chủ đầu tư rao bán hạng A nhưng khi nhận nhà thì chất lượng thực tế không đúng như vậy. Muốn phân hạng chung cư phải làm rõ hơn nữa về các tiêu chí xác định. Cụ thể là, các chi tiết tiêu chí chung chung nên hạn chế. Còn những tiêu chí nào đưa ra phải có cơ sở để khẳng định.
Đơn cử như khoảng cách từ dự án với hệ thống giao thông công cộng là trên 500m đạt 1 điểm, vậy, nếu cách 1.000m vẫn được chấm 1 điểm hay sao? Bên cạnh đó, tiêu chí tiện ích chất lượng cũng phải là điều để phân hạng. Nếu như ở vấn đề an ninh, nếu chỉ nói có camera thì được xét hạng A, vậy có hợp lý không?
Lấn cấn với dự thảo phân hạng chung cư, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, nhiều tiêu chí dự thảo nêu ra tưởng hợp lý nhưng thực hiện sẽ rất khó vì không có cơ sở xác định. Đơn cử, tiêu chí sử dụng vật tư, vật liệu cao cấp, vật liệu có độ bền cao, bảo hành 15 năm, trong khi đến giờ chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là tuổi thọ cao. Trên thị trường cũng chưa có nhà sản xuất nào đưa ra bảo hành 15 năm cho các sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, các tiêu chí nên thu gọn lại. Trường hợp quá rắc rối sẽ tăng thêm thủ tục cho các nhà đầu tư bằng cách đẻ thêm giấy phép con, thậm chí khác xa với các quy định trước đây.
Trước những quan ngại của giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại địa phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS cũng đặt câu hỏi: “Liệu khi xác định phân hạng để quyết định giá dịch vụ thì có hợp lý không? Nếu xét hạng khi vừa xong móng thì làm sao biết các dịch vụ sau này sẽ thế nào? Nếu như, một tòa nhà chung cư được xác định dựa vào tiêu chí có nhiều thang máy, nhiều cây xanh thì cần nhiều người để quản lý. Ông Nguyễn Mạnh Khởi khẳng định, nhà chung cư rao bán sau khi xây xong mới có cơ sở để nói là nhà chung cư cao cấp hay không cao cấp. Trường hợp, đang xây dang dở mà tự xác nhận hạng thì không được.
Theo Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS, việc phân loại chung cư theo dự thảo Thông tư quy định về phân hạng và công nhận nhà chung cư là bắt buộc bởi điều này đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014. Song Bộ sẽ cân nhắc hai vấn đề. Thứ nhất, nên phân loại trước hay sau khi hoàn thiện dự án. Thứ hai, chủ đầu tư tự nguyên phân loại hay bắt buộc.
“Việc triển khai thông tư này đã trễ hạn hơn nửa năm so với kế hoạch. Đáng lý tháng 7/2015, Thông tư này phải ra đời, nhưng thực tế triển khai có quá nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa hình thành. Luật đã quy định nên dù khó thế nào cũng phải có tiêu chí để phân hạng cụ thể”, ông Khởi thông tin.