Chương trình lễ hội diễn ra trong 2 ngày 6 - 7/1 tại khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, thu hút hàng nghìn bạn trẻ người dân tộc Mông đến tham gia.
Tết cổ truyền sinh viên Mông tại Thái Nguyên là chương trình được tổ chức thường niên hàng năm vào đầu năm mới dương lịch và cuối năm cũ âm lịch. Đây là dịp để hàng nghìn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tại thành phố Thái Nguyên và những thanh niên, người lao động người dân tộc Mông tới tham dự.
Tết cổ truyền sinh viên Mông có nhiều chương trình rất hấp dẫn. Ngay từ chiều ngày 6/1 là hoạt động dựng trại của các sinh viên Mông theo tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh miền núi phía Bắc. Tối 6/1 là hoạt động thi văn nghệ, sinh viên tỉnh nào thì thành lập đoàn tỉnh ấy, sau đó thể hiện những tiết mục hay nhất, độc đáo nhất như múa khèn, thổi sáo và thể hiện những bài hát bằng tiếng Mông. Cũng không thể thiếu là chương trình giao lưu uống rượu ngô diễn ra xuyên đêm (không phân biệt nam, nữ), với món ăn đặc trưng là thắng cố và mèn mén.
Lễ chính của Tết cổ truyền sinh viên Mông tại Thái Nguyên là ngày 7/1, với rất nhiều trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa, hội trại, thể thao đậm đà bản sắc người dân tộc Mông. Ngoài ra là chương trình vinh danh những sinh viên tiêu biểu có thành tích tốt trong học tập và trong hoạt động cộng đồng. Đồng thời có những phần quà chia sẻ với sinh viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Sùng Anh Đông, một sinh viên người huyện Văn Chấn, Yên Bái nói: Đối với bọn em, đã là sinh viên người Mông ở Thái Nguyên thì không thể bỏ qua được chương trình Tết cổ truyền sinh viên Mông. Em tham gia chương trình này nhiều lần rồi, em thấy rằng không khí lễ hội giúp cho những sinh viên quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ núi rừng Tây Bắc. Đến đây chúng em được giao lưu, làm quen, kết bạn với những sinh viên đang học ở nhiều trường khác nhau, chia sẻ và động viên nhau để học tập tốt hơn. Đến lễ hội như này, các bạn sinh viên Mông tự tin hơn khi tham gia các sự kiện, được tạo điều kiện thể hiện tài năng của mình thông qua các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Phóng viên cũng đã gặp gỡ, nói chuyện với hàng chục người không phải là sinh viên đến tham dự Tết cổ truyền sinh viên Mông tại Thái Nguyên, trong đó có những người đã học xong và đang làm việc ở Thái Nguyên. Ví dụ như chị Vàng Thị Hà, là người ở xã Lạng San, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã đi làm được 5 năm tại một công ty ở khu công nghiệp Sông Công I. Giống như lễ hội của các năm trước, chị lại cùng với bạn bè đi xe máy hơn 20km đến tham gia lễ hội.
Theo chị Hà, có rất nhiều bạn đã ra trường và đi làm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang hẹn hò nhau tụ tập về đây tham gia đốt lửa trại, uống rượu với nhau hết đêm. Thực sự Tết cổ truyền sinh viên Mông không chỉ là lễ hội, mà còn là dịp để bạn bè gặp nhau, để giao lưu, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống... Nói chung là vui, nên có những thanh niên người dân tộc Mông ở cách xa cả trăm km, đi xe máy chở theo vợ, con đến chơi đủ cả 2 ngày hội mới về.
Theo thông tin của Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên: Phần lớn các sinh viên người đồng bào dân tộc Mông đều đến từ những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Một số nhà ở rất xa, như Điện Biên, Lai Châu, miền tây của Nghệ An… mỗi năm chỉ về 2 dịp nghỉ Tết nguyên đán và nghỉ hè nên rất thiếu thốn về tình cảm gia đình, quê hương. Lễ hội Tết cổ truyền sinh viên Mông tại Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho các em giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, cũng như giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.