Ngành du lịch thế giới đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ do các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên đến nay nhiều nước đang dần khởi động lại ngành công nghiệp không khói.
400 tỷ USD “bốc hơi”
Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu gần như sụp đổ. Theo Liên hợp quốc (LHQ), tác động của Covid-19 tới ngành du lịch có thể khiến thế giới mất tới hơn 4.000 tỷ USD trong năm 2020 và 2021. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, du lịch quốc tế và các ngành liên quan đã “bốc hơi” khoảng 2.400 tỷ USD. Trong quý I/2021, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu sụt giảm tới 83%, chủ yếu do sự lây lan của các biến thể mới.
Đặc biệt dịch bệnh giáng đòn mạnh vào phụ nữ, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), phụ nữ là lực lượng lao động chính trong ngành du lịch, chiếm tới 54%. Nhưng nhiều người trong số này lại chỉ làm những công việc phổ thông và không chính thức. Điều này đồng nghĩa họ phải gánh chịu cú sốc kinh tế nặng nề hơn so với đồng nghiệp là nam giới.
Cô Mary Taboniar, nhân viên khu nghỉ dưỡng Hawaiian Village ở Honolulu trên đảo Hawaii, Mỹ. Suốt 15 tháng qua, bà mẹ đơn thân của hai đứa con không nhận được một đồng lương nào do virus SARS-CoV-2 đã tàn phá ngành du lịch, khiến các ngành dịch vụ lưu trú như khách sạn, nghỉ dưỡng cũng sụp đổ theo.
Hơn một năm qua, cô Taboniar phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp thất nghiệp và những “ngân hàng thực phẩm” do địa phương hỗ trợ để trang trải cuộc sống gia đình. Những tưởng ngành du lịch có thể hồi sinh trở lại với Hawaii thì sự xuất hiện của biến thể Delta lại khiến hòn đảo du lịch phải đóng cửa một lần nữa. Đáng lo hơn là khoản trợ cấp bổ sung cho người thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã hết hạn từ đầu tháng 9.
Cô Taboniar chia sẻ: “Điều đó khiến tôi vô cùng lo sợ. Tôi phải trả tiền thuê nhà thế nào nếu không có trợ cấp thất nghiệp và việc làm?”.
Ngành du lịch đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội. Chính vì lẽ đó, Ngày Du lịch thế giới 27/9 năm nay nhấn mạnh chủ đề: “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”. Thông qua chủ đề này, Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili một lần nữa khẳng định cam kết của tổ chức du lịch LHQ trong nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn thông qua du lịch và sẽ không bỏ lại bất kỳ ai phía sau.
UNWTO đưa ra một số giải pháp để khởi động lại và giúp tăng trưởng ngành du lịch một cách toàn diện nhất bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các quốc gia thành viên, các đối tác, chính phủ các nước cùng các tổ chức, cá nhân liên quan.
“Chuyển mình” sau cú trượt dài
Từ mùa hè năm nay, ngành du lịch đã có dấu hiệu hồi sinh sau thời gian dài “đóng băng” do dịch bệnh. Châu Âu là một trong những khu vực sớm mở cửa du lịch bằng việc áp dụng chứng chỉ xanh Covid-19 cho những du khách hoàn thành đủ liều vaccine hay những người đã bình phục sau khi mắc Covid-19. Từ tháng 8, châu Á cũng đã dần thí điểm các mô hình du lịch an toàn đón du khách quốc tế như “bong bóng du lịch”, “hành lang xanh”,…
Để kéo lại sự sụt giảm khách du lịch tại thị trường du lịch lớn nhất là Mỹ, cơ quan du lịch của Canada, Destination Canada đã triển khai chiến dịch đầu tiên nhắm mục tiêu đến những khách hàng thường xuyên đến từ Mỹ. Đây là một phần của nỗ lực trị giá 11,2 triệu đô la Mỹ của Ủy ban Du lịch nước này nhằm thúc đẩy lưu lượng nhập cảnh sau khi Canada mở cửa biên giới cho khách du lịch đã tiêm vaccnie.
Tại Cuba, cuối tuần trước, nước này cũng bắt đầu cho phép mở cửa trở lại đối với các nhà hàng, trung tâm mua sắm và bãi biển ở các thành phố đã giảm ca nhiễm Covid-19 và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Thủ đô Havana (lên tới 85% trong tổng số 2,2 triệu dân).
Việc nới lỏng các hạn chế vào thời điểm Cuba đang chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch, mà họ hy vọng sẽ mang doanh thu là rất cần thiết để xoa dịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Chính phủ Cuba thông báo sẽ cho phép nhiều chuyến bay hơn và chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 cho khách du lịch trong nước thay cho kết quả xét nghiệm PCR từ tháng 11 tới.
Tại Hàn Quốc, khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng mạnh và số ca mắc có dấu hiệu giảm, Seoul tuyên bố sẽ tìm cách tạo “bong bong” du lịch với nhiều quốc gia khác để phục hồi ngành công nghiệp không khói. Các quan chức Hàn Quốc cho biết, kế hoạch sẽ sớm được triển khai. Hãng hàng không Jeju Air tuyên bố kết nối lại các chuyến bay đến Saipan và Guam, hai điểm đến phổ biến với những du khách say mê các bãi biển. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Hàn Quốc đón gần 3 triệu khách du lịch mỗi tháng và nước này mong chờ sẽ đón nhận cảnh tượng sôi động trở lại.
Đảo Langkawi (Malaysia) ngày 16/9 đã chào đón chiếc phi cơ đầu tiên với 159 hành khách đã tiêm đủ vaccine từ Kuala Lumpur muốn tận hưởng kỳ nghỉ sau nhiều tháng quốc gia này áp dụng lệnh giãn cách. Langkawi kỳ vọng đến cuối năm nay đón 400.000 du khách. Tuy nhiên, du khách nước ngoài vẫn chưa được phép nhập cảnh.
Ngày 27/9, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ từ bỏ yêu cầu kiểm dịch bắt buộc ở Bangkok và 9 khu vực đối với những người đã được tiêm vaccine, khi nước này cố gắng nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và hồi sinh ngành du lịch đang bị vùi dập. Các khu vực bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng Chiang Mai, Phangnga, Krabi, Hua Hin, Pattaya và Cha-am. Trước đó, Thái Lan đã mở cửa hai đảo du lịch của nước này là Phuket và Koh Samui vào đầu tháng 7. Thái Lan đang mong muốn đón du khách nước ngoài trở lại, sau gần 18 tháng áp dụng các chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt đã khiến ngành du lịch sụp đổ. Thái Lan đã thu hút 40 triệu du khách vào năm 2019.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterress khẳng định, du lịch có sức mạnh và tiềm năng trong thúc đẩy sự thịnh vượng và bền vững. Du lịch cũng chạm tới hầu hết mọi thành phần kinh tế, xã hội, những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.