Văn hóa

Rực rỡ du lịch mùa Xuân

Minh Quân 24/02/2024 07:47

Chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam trong dịp Tết đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Bên cạnh việc “bắt tay” tạo ra nhiều trải nghiệm mới cho du khách, ngành công nghiệp không khói còn có những sự thay đổi theo hướng chuyên nghiệp trong cách vận hành.

cover2.jpg
Lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Ảnh: Lê Khánh.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8/2 - 14/2/2024), bức tranh du lịch Việt Nam mang những gam màu rực rỡ, thể hiện ở nhiều con số: đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng nghỉ trung bình đạt 45 - 50%.

anhthay.jpg
Đông đảo du khách tham gia Lễ hội Chùa Hương đầu năm Giáp Thìn. Ảnh: Lê Khánh.

Du lịch lễ hội hút khách

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách quốc tế đến các khu, điểm du lịch tăng cao. Cụ thể, Hà Nội ước tính đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Quảng Nam ước tính đón 97.000 lượt khách, tăng 42%; TPHCM ước tính đón 75.000 lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước tính đón gần 44.400 lượt khách, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Bên cạnh lợi thế thời tiết thuận lợi trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với hàng loạt lễ hội được tổ chức đã giúp hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Đặc biệt, khác với mọi năm, để du khách “tự đi, tự lo”, ngay những ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp (DN) lữ hành đã đồng loạt chào bán tour đi vãn cảnh chùa với mức giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.

Nhiều sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội Xuân được các hãng lữ hành xây dựng theo tiêu chí là những điểm đến được du khách yêu thích, lựa chọn trong các năm trước và có những hoạt động lễ hội đặc sắc để du khách trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Có thể kể đến như tour đi lễ chùa Tam Chúc và chùa Địa Tạng Phi lai tự (Hà Nam) vào thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần, đi về trong ngày có giá 550.000 đồng/người; tour đi lễ Yên Tử, chùa Đồng (Quảng Ninh) có giá 900.000 đồng/người; tour đi lễ Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) bao gồm vé tham quan và vé đi thuyền ngắm cảnh có giá 900.000 đồng/người; tour đi lễ Núi Bà Đen (Tây Ninh) khởi hành từ TPHCM có giá 750.000 đồng/người...

Ngoài ra, các điểm đến vùng núi phía Bắc với hoa mận, hoa mơ, đào rừng nở rộ cũng thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, một số điểm đến thu hút đông lượng khách tham quan, vui chơi như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng)… nhờ tổ chức các chủ đề đặc sắc, nội dung phong phú.

Theo Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, năm nay, lượng khách du lịch trẻ từ miền Trung, miền Nam đi các điểm du lịch miền núi phía Bắc tăng vọt. Các điểm đến được du khách lựa chọn hàng đầu là vùng Đông Bắc và Tây Bắc, nơi tràn ngập các loài hoa mùa xuân như đào, mơ, mận, lê, cải… Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La… là những điểm đến đắt khách.

Cũng theo ông Hoan, một điểm nhấn của du lịch lễ hội đầu Xuân là nhiều địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, DN lữ hành tổ chức chào đón khách “xông đất”, tạo hứng khởi cho khách du lịch. Các khu, điểm du lịch trên cả nước cũng chủ động chuẩn bị nhiều chủ đề ấn tượng thu hút du khách tham quan, vui chơi giải trí. Một số sản phẩm du lịch sáng tạo, kết hợp công nghệ cao (công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D, thực cảnh…) thu hút lượng lớn người dân, du khách tham quan, trải nghiệm.

anh-them.jpg
Hà Nội ước tính đón gần 103.000 lượt khách quốc tế trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Quang Vinh.

Đi trước đón đầu

Có thể nói ngành Du lịch Việt Nam, đặc biệt là các công ty lữ hành sau khoảng thời gian khá “chông chênh” vì dịch bệnh đang có những hướng chuyển đổi “đánh đúng và trúng” vào tâm lý du khách. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu du lịch đang chuyển sang các xu hướng chính như trải nghiệm cá nhân, sức khỏe, sinh thái, thể thao, du lịch MICE,... Vì vậy, ngành du lịch cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, quảng bá về những chính sách mới để tạo hiệu ứng giúp tiếp cận các thị trường tốt hơn, tạo được điểm nhấn để thu hút khách du lịch.

Theo Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn, sau dịch Covid-19, nhiều DN đã có những đổi mới trong cách sử dụng để duy trì nguồn nhân lực bền vững, nhiều đơn vị đã tạo được phúc lợi cạnh tranh, hấp dẫn để người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh chế độ phúc lợi, nhà tuyển dụng lao động, DN cũng tái đầu tư cho các lao động thay vì vắt kiệt. “Lao động của ngành du lịch đã chuyển sang ngành khác khá nhiều nhưng trong thời kỳ suy thoái kinh tế có xu hướng ngược lại. Vì các ngành khác bị suy thoái, nhưng ngành du lịch hiện nay phần nào đó ổn định hơn. Điều này đã được thể hiện qua những con số thống kê về lượng khách và doanh thu. Hiện nay, nguồn lao động, đặc biệt lao động cấp thấp đang dần dần quay lại” - ông Tuấn cho hay.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch đang có xu hướng “đi trước, đón đầu”. Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá được các DN du lịch triển khai rộng khắp, khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách. Dù có tăng nhẹ về giá từ 15 - 20% nhưng không xảy ra tình trạng “cháy phòng”, “chặt chém”… Sự nỗ lực chung của các đơn vị đã mang đến một môi trường du lịch lành mạnh trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn. “Mặc dù còn nhiều khó khăn, song lượng khách tăng cao dịp Tết, đặc biệt là khách quốc tế, là tín hiệu mừng để ngành Du lịch đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đón khách vào năm nay, phấn đấu đạt được chỉ tiêu đón được 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 như kế hoạch đề ra” - ông Khánh bày tỏ.

Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch trong những ngày tháng Giêng diễn ra khá suôn sẻ, gần như không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải tại điểm đến. Tình hình an ninh trật tự tại các điểm đến ổn định; công tác niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai đầy đủ. Công tác vệ sinh môi trường đảm bảo sạch sẽ, mang lại hình ảnh du lịch an toàn, xanh - sạch - đẹp tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn cả nước.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, những tín hiệu đầu năm mới đang góp sức để du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu đón 110 triệu lượt khách nội địa và 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Theo thống kê, doanh thu từ hoạt động du lịch của nhiều địa phương tăng mạnh. TPHCM đón 1,8 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 6.550 tỷ đồng. Hà Nội đón 653.000 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 2.350 tỷ đồng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định lựa chọn tỉnh Điện Biên là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”. Trong khuôn khổ “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024” sẽ diễn ra 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng; trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức; tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, hoạt động; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rực rỡ du lịch mùa Xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO