Du lịch mua sắm được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác để vừa thu hút du khách vừa có doanh thu du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phát triển được loại hình du lịch này. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch mua sắm là một mảnh đất rất màu mỡ cần được nghiên cứu và triển khai bài bản.
Một trong những nhu cầu du lịch cơ bản và thiết yếu nhất của khách du lịch là mua sắm, tìm kiếm và sở hữu những sản phẩm lưu niệm đặc trưng nhất của vùng đất đó. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, các sản phẩm, quà tặng lưu niệm dành cho du khách mua sắm vẫn còn ít và đơn điệu.
Việc giới thiệu và lựa chọn quà lưu niệm cho khách quốc tế cũng là vấn đề làm các hướng dẫn viên du lịch, công ty lữ hành khá đau đầu. “Ở đâu người ta cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, đồ trang sức, móc khóa, bưu thiếp... với hình ảnh cô gái mặc áo dài, xích lô, gánh hàng rong hay các họa tiết thổ cẩm. Trong khi đó nhiều sản phẩm đặc trưng như gốm, sứ hay các sản vật nông sản đặc trưng thì lại khá cồng kềnh khó vận chuyển” - ông Trần Đức Nam, hướng dẫn viên du lịch Công ty TNHH AAH Việt Nam cho hay.
Theo ông Nam, có rất nhiều đoàn khách chịu chi, họ chủ động ngỏ ý nhờ hướng dẫn viên dẫn đoàn giới thiệu về sản phẩm đặc trưng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung để mua quà về tặng người thân, bạn bè thế nhưng các sạp hàng giới thiệu dù rất nhiều nhưng sản phẩm dường như không có nét đặc trưng riêng. Đặc biệt không có sự sáng tạo, khiến không ít du khách nhàm chán.
Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng từng nhận định, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống được công nhận, nhưng đáng tiếc là sản phẩm quà tặng của các làng nghề xuất hiện còn rất khiêm tốn trong các khu, điểm du lịch. Hiện nay, những sản phẩm quà tặng được quảng bá, giới thiệu tới du khách phần lớn là sản phẩm quen thuộc như: Chuồn chuồn tre Thạch Xá, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Nhiều mẫu mã vẫn theo lối cũ, ít cải tiến, nâng cấp, nên chưa hấp dẫn được du khách.
Không riêng Thủ đô Hà Nội, theo các chuyên gia du lịch, hiện hệ thống cơ sở, cửa hàng bán các sản phẩm du lịch trong cả nước còn thiếu. Một số cơ sở tư nhân phát triển tự phát tại các điểm du lịch thì đặt nặng tính thương mại, chất lượng sản phẩm thấp, vẫn tồn tại tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất địa phương lại không đủ vốn và năng lực để đầu tư cửa hàng trưng bày đón khách trực tiếp đến trải nghiệm sản xuất, mua sản phẩm.
Thực tế, theo thống kê tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Một nguyên nhân khiến khách quốc tế đến Việt Nam "mang tiền đến lại đem tiền về", do Việt Nam đang bỏ lỡ 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm.
Để kích cầu du lịch mua sắm hiện nay tại các thành phố lớn, nhiều điểm du lịch đã hình thành những trung tâm thương mại lớn cùng với đó là các chợ đêm với nhiều khu bày bán các sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch. Nhiều khu du lịch có những cửa hàng bày bán sản phẩm quà tặng, sản phẩm OCOP. Đặc biệt nhiều địa phương đã liên kết với các thành phố lớn tổ chức sự kiện, ngày hội du lịch nhằm quảng bá thế mạnh tiềm năng du lịch của địa phương mình.
Hiến kế để sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch hấp dẫn du khách, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho rằng, muốn phát triển lĩnh vực quà tặng du lịch thì phải xác định được sản phẩm nào bán cho đối tượng nào để có sản phẩm phù hợp mang thông điệp đó. Bên cạnh việc xây dựng kênh tiêu thụ trực tiếp tại các tuyến phố trung tâm, làng nghề nên tận dụng thương mại điện tử.
Còn theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, từ kinh nghiệm các nước cho thấy, liên kết chuỗi giá trị là "chìa khóa" giúp ngành du lịch phát triển mạnh và các thành phần trong chuỗi giá trị, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ... đều hưởng lợi. Chính vì vậy, Việt Nam cần một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch, trong đó, Nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ.
“Các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ hồi phục" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiến kế.