Những ngày đầu Xuân cũng là dịp để mọi người cùng nhìn lại những gì đã qua và những kỳ vọng trong năm mới. Ở đó, với ngành du lịch sau những nỗ lực “vượt khó” thời kỳ hậu Covid-19, năm 2024 được xem là thời điểm “bản lề” trên hành trình vươn mình trở thành “con Rồng” của châu Á.
Nhắc đến du lịch Việt Nam năm 2023, bên cạnh việc vượt qua mục tiêu đề ra đón 8 triệu khách quốc tế và phục vụ hơn 103 triệu lượt khách trong nước, không thể phủ nhận là một “mùa vàng” bội thu giải thưởng.
Có thể kể đến, các giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2023 (trong đó, lần thứ tư Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ năm được bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”). Cùng với danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023”, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng. Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”; Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) giành danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”; Mộc Châu (Sơn La) được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023...
Theo công bố của Travel Lemming - website hướng dẫn du lịch trực tuyến, Đảo ngọc Phú Quốc của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6/50 điểm đến du lịch hàng đầu năm 2024.
Bên cạnh các giải thưởng, công tác quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài trong năm qua cũng đã được đẩy mạnh và tạo được nhiều dấu ấn với bạn bè quốc tế. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã góp mặt tại nhiều sự kiện du lịch uy tín như Hội chợ Du lịch quốc tế London 2023, Lễ hội Xúc tiến du lịch văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc…
Không chỉ tạo dấu ấn trên trường quốc tế, sau “cơn bão” phá sản, thiếu hụt nguồn nhân lực… do ảnh hưởng của dịch bệnh ngành công nghiệp không khói của Việt Nam cũng ghi nhận sự “hồi sinh” mạnh mẽ.
Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đến nay cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn. 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được ủy quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú cả nước hiện có khoảng 38 nghìn cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 780 nghìn buồng.
Bức tranh toàn cảnh của du lịch Việt Nam không chỉ là những mảng màu tươi sáng, mà còn đó những khó khăn và thách thức. Bởi thực tế năm 2023 cũng được nhận định là khoảng thời gian “trũng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú... gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam muốn bứt phá, “hóa Rồng”, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực vẫn còn đó một hành trình dài trong việc đồng bộ hóa trong tính chuyên nghiệp.
Đơn cử như trong công tác quảng bá trong nước, hiện nay tất cả các tỉnh thành đều có trang web du lịch nhưng chủ yếu đăng tải thông tin hoạt động của ngành du lịch địa phương mà thiếu thông tin chỉ dẫn về điểm đến, sản phẩm, tour dành cho du khách; hình thức kém hấp dẫn; ngôn ngữ chủ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều địa phương nắm bắt nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số, đã cho ra mắt những ứng dụng du lịch riêng nhưng vẫn nghèo nàn về ngôn ngữ. Ngay như phần mềm của Cục Du lịch Quốc gia cũng chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh, không có tiếng Hàn Quốc hay Trung Quốc, vốn là những thị trường đầy tiềm năng.
Không chỉ các hoạt động quảng bá trong nước, ngoài tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch quốc tế có một thực tế đáng buồn Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia nào ở nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan đã có hơn 30 văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài. Trung Quốc có 5 văn phòng, Malaysia có 32 văn phòng.
Nguyên Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, công tác xúc tiến du lịch vừa qua đã có nhiều nỗ lực đổi mới, song nhìn chung chưa đạt được yêu cầu đề ra. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá còn thiếu tính chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao. Kinh phí dành cho xúc tiến du lịch còn nhỏ và cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc, bất cập, thiếu chính sách ưu tiên; cơ chế cấp kinh phí hằng năm chưa linh hoạt để có thể xây dựng và triển khai những kế hoạch xúc tiến du lịch chủ động nhằm ứng phó với những biến động trong và ngoài nước đối với du khách quốc tế đến Việt Nam.
Thực tế cho thấy, nếu nhìn vào bản đồ du lịch chỉ ngay trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có sự thua thiệt rất nhiều. Bởi sau Covid-19, nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Maylaysia… có những thay đổi toàn diện với những tour du lịch hấp dẫn mà giá thành rẻ hơn hẳn của Việt Nam. Thậm chí có những thời điểm với người Việt Nam đi du lịch nước ngoài còn rẻ hơn đi du lịch trong nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nước bạn khi làm du lịch biết chia sẻ lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp, giữa các dịch vụ, thậm chí chia sẻ cả những khó khăn, trong khi chúng ta không làm được điều đó. Đến bây giờ, ngành du lịch vẫn loay hoay ở chỗ làm sao có thể có được những chương trình kích cầu mạnh mẽ, có những đợt khuyến mại sâu để có thể thu hút được khách. “Khuyến mại ở đây không có nghĩa giảm giá mà khuyến mại là nâng cao chất lượng dịch vụ và làm cho khách hàng cảm thấy thỏa mãn, với đồng tiền bỏ ra họ được cung cấp những dịch vụ tốt nhất có thể”, ông Bình bày tỏ.
Có thể nói, năm 2024 với du lịch Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trên “đường đua” cạnh tranh đầy khốc liệt. Ở đó, nếu du lịch Việt Nam không có những sự thay đổi toàn diện thì sự tụt hậu chỉ còn là câu chuyện “một sớm, một chiều”.
Phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế
Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách du lịch nội địa cả năm 2023 ước đạt 108 triệu lượt người, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12 - 13 triệu lượt). Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023. Với những con số tổng kết trên cho thấy sự phục hồi đáng kể của du lịch Việt Nam trong năm qua. Năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
N.H