Từ 1/5, lương cán bộ công chức, viên chức sẽ tăng thêm 60.000đ/một hệ số/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở không dừng ở 1.150.000đ/1 hệ số/tháng mà tăng lên thành 1.210.000đ/1 hệ số/tháng. Lương tăng có 5% không thấm tháp vào đâu so với những khó khăn của cán bộ công chức. Tuy nhiên trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc tăng lương đã là điều đáng quý. Điều cần làm lúc này là phải ghìm cương giá, tránh tái diễn chuyện lương đuổi theo giá như trước đây.
Bộ Nội vụ cho biết, với mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng được áp dụng hiện nay, cuộc sống của cán bộ công chức (CBCC) và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn. Để cải thiện đời sống của CBCC và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Trong đó giao Chính phủ: “Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%) đối với CBCC lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng”.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đã đề xuất xây dựng Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với CBCC và lực lượng vũ trang. Trong đó, đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016 từ mức 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng. Theo dự thảo, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng; tính mức hoạt động phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Lương chỉ tăng thêm 5% và phải chờ đợi đến tận 4 năm mới tìm được nguồn để tăng lương quả là một số tiền rất nhỏ với mỗi CBCC. Thế nhưng nếu tính trên tổng số lượng CBCC hưởng lương thì ngân sách phải dành ra khoảng 11.000 tỷ năm 2016 để tăng lương, đó quả là con số không nhỏ trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nói như vậy để thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tiết kiệm các nguồn chi khác dành cho tăng lương để động viên, khuyến khích, chăm lo cho người lao động
Bàn về câu chuyện tăng lương, chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Việc cân đối ngân sách để tăng 5% lương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách, tác động đến các khoản chi khác. Bởi nếu không tăng lương, các khoản chi cho đầu tư phát triển khác có thể được tăng lên. Do đó, Chính phủ cần tích cực có các giải pháp kiềm chế lạm phát. Bởi việc tăng lương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Nên nếu không có biện pháp kiềm chế lạm phát, thì việc tăng lương sẽ không mang lại hiệu quả. Tăng lương 1 đồng mà lạm phát 2 đồng để lương ì ạch đuổi theo giá thì nỗ lực cân đối thu chi để tăng lương của Chính phủ sẽ là vô nghĩa.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế để cải cách tiền lương căn cơ. Theo đó, cải cách tiền lương không phải là nâng mức lương cơ sở, cải cách cả hệ thống thang bảng lương, làm sao tiền lương phải đúng bản chất là tiền lương, phần cứng phải hơn phần mềm mới động viên khuyến khích người lao động cống hiến”- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Chưa có kết quả của công cuộc tinh giản biên chế thực hiện đến đâu nhưng rõ ràng thời gian qua Chính phủ đã hết sức nỗ lực, chủ động trong điều hành nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng(CPI), lạm phát những tháng cuối năm thường biến động theo chiều hướng tăng nay đã đứng im. Giá của rất nhiều mặt hàng thiết yếu dịp cận Tết hầu như chưa nhúc nhích, thậm chí có nhóm mặt hàng giảm. Trong đó, CPI tháng 1/2016 trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chỉ tăng 0,12% so với tháng trước đó và tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, CPI tháng 1 tại TP Hồ Chí Minh giảm 0,03% so tháng trước... Còn lạm phát cơ bản tháng 1 so cùng kỳ năm trước chỉ tăng 1,72% cao hơn mức 0,8% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung (thuộc nhóm được loại trừ) nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy chuyện lương đuổi giá sẽ khó tái diễn tại thời điểm này.
Lương tăng không nhiều nhưng mặt bằng giá cả không thay đổi điều đó có nghĩa người làm công ăn lương sẽ hưởng lợi và việc tăng lương không còn dừng lại ở nghĩa mang tính động viên nữa mà đã góp phần tích cực giảm bớt phần nào khó khăn của người lao động. Và nỗ lực co kéo, thu vén để có nguồn tiền tăng lương càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.