Rượu bia và nguy cơ ung thư

Ngọc Kha 28/12/2016 10:10

Năm hết, Tết đến, một lần nữa, Bộ Y tế lại gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về tác hại của việc sử dụng rượu, bia như vậy tại một cuộc hội thảo do cơ quan này phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức (WHO) chiều 27/12.

Uống rượu, bia ở bất cứ mức độ nào đều bị tăng nguy cơ ung thư.

Theo phát biểu của TS Trương Đình Bắc- Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế, năm 2015, có tới 77% nam giới và 11% nữ giới có uống rượu, bia. Và trong giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ người uống rượu, bia tăng nhanh qua các năm ở cả hai giới. Ông đặc biệt nhấn mạnh: Rất đáng báo động về chất lượng rượu, bia trong bối cảnh rượu được “bung ra” sản xuất, kinh doanh mặt hàng này bằng mọi phương pháp, mọi điều kiện từ các hộ gia đình đến sản xuất công nghiệp lớn.

Ông cũng nhấn mạnh một thực trạng nữa về hậu quả đáng báo động trong việc sử dụng rượu bia: Gần một nửa (45%) số người có uống rượu, bia đã từng điều khiển các phương tiện giao thông trong vòng 2h sau khi uống và đây là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn cho người đi đường.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam - đại diện WHO, cũng cho rằng số người sử dụng rượu, bia ngày càng tăng, đặc biệt là nam giới và xu hướng trẻ hoá tuổi người sử dụng rượu, bia đã hiện hữu. Rượu bia gây tai nạn giao thông, bạo lực và các bệnh mạn tính như ung thư, xơ gan, tim mạch, đái tháo đường...

Theo ông Nam, nếu không khắc phục tình trạng nói trên, Việt Nam sẽ khó có thể hoàn thành được các mục tiêu đã cam kết với WHO. Phải tăng giá rượu, bia (từ 25-30%), kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, khuyến mãi rượu, bia và đồ uống có cồn khác, cấm bán rượu, bia cho trẻ em và phải có những biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu bia, theo đại diện WHO.

Không có mức độ uống rượu, bia nào được cho là an toàn và ở bất kỳ mức độ rượu, bia nào được uống, cơ thể chúng ta cũng đều bị tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nói riêng, các bệnh mãn tính nói chung. Khẳng định như vậy, các chuyên gia y tế tại hội thảo khuyến cáo: Tốt nhất là không uống các loại nước có cồn. Từ chối rượu bia thế nào sao cho không làm mếch lòng nhau là một trong những câu hỏi “khó” được “phát” ra từ giới báo chí.

Chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này, TS Trương Đình Bắc cho rằng, không nên duy trì thứ “văn hoá ép” uống rượu như vậy và trong trường hợp bất khả kháng, “buộc phải uống” vì nể nang bạn bè thì chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc và không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ bằng cách ra những điều kiện, uống từ từ, kết hợp xen kẽ nước lọc và nhất thiết không điều khiển phương tiện giao thông cũng như các hoạt động ngoài trời hoặc những nơi nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rượu bia và nguy cơ ung thư