Ngày 19/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Rút bảo hiểm xã hội một lần hay đóng tiếp chờ lương hưu?".
Cân nhắc kỹ khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nhóm rút BHXH một lần chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%. Nguyên do, tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, trong độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ nhận BHXH một lần. Mặt khác, số người rút BHXH một lần tăng còn do một số người e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi; chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp; có ít địa phương hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương; chính sách cho người lao động thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa tạo sức hấp dẫn...
Tại buổi giao lưu, độc giả Ngọc Hân (33 tuổi) băn khoăn chia sẻ: Dù đã đóng BHXH được 7 năm nhưng hiện nay Hân có ý định ra ngoài làm tự do vì thế cô băn khoăn có nên đóng tiếp BHXH tự nguyện hay không hay xin rút BHXH một lần để có tiền đầu tư cho công việc mới.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH TPHCM cho biết, băn khoăn này không phải của riêng Ngọc Hân mà còn là tâm lý chung của rất nhiều người lao động hiện nay, đặc biệt là lao động trẻ. Những lao động đang ở giai đoạn “trẻ, khỏe, ít ốm đau” nên thường có tâm lý chưa quan tâm nhiều đến lợi ích đem lại của chính sách lương hưu.
Theo bà Thảo, việc nhận BHXH một lần được coi là "lợi trước mắt, hại lâu dài" bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của bạn sẽ trở về con số 0. Đồng thời, các quyền lợi của bạn sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Bà Thảo dẫn chứng, nếu tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như: Được nhận lương hưu hàng tháng, mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.
Về quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT), được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%).
“Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nếu có thẻ BHYT sẽ chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. Nếu nhận BHXH một lần, bạn đã tự đánh mất cơ hội được chăm sóc sức khỏe cho bản thân thông qua thẻ BHYT hưu trí miễn phí” - bà Thảo lưu ý.
Ngoài ra về chế độ tử tuất, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
Có thể tiếp tục tham gia lại từ đầu
Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn liên quan không cấm người lao động đã rút BHXH một lần rồi thì không được tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 60 Luật BHXH số 58/2014/QH13, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đồng BHXH. Điều đó có nghĩa là, một khi đã thanh toán BHXH một lần, nếu muốn được hưởng lương hưu thì thời gian đóng BHXH buộc phải tính lại từ đầu. Theo đó, nếu đã rút BHXH một lần thì sau khi đóng lại BHXH từ đầu, người lao động vẫn có thể được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện về độ tuổi và thời gian tham gia BHXH theo quy định.
Mới đây, tại Luật BHXH sửa đổi đã được chính thức thông qua vào ngày 29/6/2024, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định cũ.
Điều này làm tăng cơ hội cho những người đã rút BHXH một lần trước đó vẫn có thể kịp thời gian đóng 15 năm BHXH, tạo điều kiện cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng.
Theo cơ quan bảo hiểm xã hội, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Do đó, cơ quan BHXH khuyến khích người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH, tiếp tục tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.