Mỹ đang soạn thảo một kế hoạch triển khai binh sĩ và xe tăng tới bảo vệ các giếng dầu ở miền Đông Syria, ngay sau khi Washington vừa rút hết binh sĩ khỏi miền Bắc của nước này. Theo giới chuyên gia, đây là chính sách đầy mâu thuẫn và có khả năng sẽ trở thành "con dao hai lưỡi" đối với nước Mỹ.
Mỏ dầu gần thị trấn Al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP).
Triển khai binh sĩ "giữ giếng dầu"
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc mới đây tiết lộ Mỹ đang tìm cách triển khai một đội chiến đấu bao gồm 30 xe tăng Abram cùng nhân sự tới miền Đông Syria, nơi có nhiều giếng dầu đang nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng vũ trang người Kurd – tổ chức từng giúp Mỹ trong chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Kế hoạch này đang chờ được Nhà Trắng phê duyệt. Quan chức trên cũng cho hay, các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd sẽ được tham gia kế hoạch bảo vệ các giếng dầu này.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tận dụng thời cơ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự ở Syria để cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria nói rằng: Đây là tiền đề để rút hết binh sĩ khỏi quốc gia Trung Đông này. Quyết định rút quân của ông lập tức khiến các nhà lập pháp ở Washington phẫn nộ bởi cho rằng đây là hành động "phản bội" đồng minh người Kurd. Sự phẫn nộ càng tăng khi Moskva và Ankara đạt thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên ở Syria - chỉ ngoại trừ Mỹ, bên vẫn khăng khăng muốn thay đổi chế độ ở Syria.
Dù cho ông Trump không chính thức tiêu hủy chính sách thay đổi chế độ ở Syria có từ thời Barack Obama, nhưng quyết định rút quân của ông được xem là đã chấm dứt chính sách đó. Thế nhưng, việc ông Trump bất ngờ công khai kế hoạch bảo vệ các giếng dầu ở Syria lại cho thấy, dường như có ai đó đã thuyết phục ông "giữ một chân" lại chiến trường Syria. "Chúng tôi muốn giữ lượng dầu" - ông Trump nói trong tuần này, khiến nhiều người bối rối.
Hôm thứ Năm vừa qua, trong lúc cố gắng giải thích về kế hoạch đó, ông Trump nói rằng các giếng dầu "đã bị IS kiểm soát cho tới khi Mỹ chiếm lại chúng với sự hỗ trợ của người Kurd. Chúng tôi sẽ không bao giờ để IS chiếm lại các mỏ dầu đó".
Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy phiến quân IS sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, trong khi chính quyền Syria coi kế hoạch chiếm các giếng dầu của họ như hành động cướp bóc.
Được biết vào năm 2011, ông Trump từng đưa ra nhiều bình luận cho rằng Mỹ chiếm các mỏ dầu ở Iraq như một "khoản bồi thường" cho cuộc chiến năm 2003 ở quốc gia Trung Đông này, thế nhưng lại không áp dụng nó với Syria hiện nay. Trớ trêu thay, ông Trump mới đây còn khoe rằng chính quyền của ông đã giúp nước Mỹ gia nhập các nước xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới nên không cần các dầu khí ở Syria.
Hãng RT của Nga dẫn lời nhà báo Andrey Ontikov còn cho rằng, các mỏ dầu đang được nhắc tới ở Syria chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, và quá nhỏ để có thể khiến Washington để mắt tới.
Mục đích thực sự của Mỹ có thể nằm trong phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người mới đây nói rằng mục đích của việc duy trì binh sĩ Mỹ ở Syria là "tránh IS hay các nhóm khác thu được lợi nhuận từ các hoạt động đen tối", như chiếm lấy các mỏ dầu.
Thế nhưng nhiều nhà quan sát lại cho rằng "canh bạc dầu khí" của Mỹ ở Syria không thực sự là nhằm ngăn chặn IS, mà nhằm ngăn chính quyền Damascus sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính họ để tái xây đựng dất nước. Vốn đã chịu nhiều đòn cấm vận của Mỹ và các đồng minh EU, Syria rất cần tới các nguồn dầu khí trong nước để giúp người dân sống sót qua mùa đông.
Cảnh báo từ Nga
Mỹ ban đầu gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các phe nổi dậy hòng lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng sau đó quay sang ủng hộ SDF để đánh bại IS. Khi mà IS hầu như bị đánh bại và chính quyền Assad tăng cường sức mạnh nhờ sự hỗ trợ từ Nga và Iran, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến dịch nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của các bên địch thủ ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn coi YGP là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với đảng Lao động người Kurd (PKK) ở nước họ. Mỹ thì chật vật trong việc hòa giải giữa hai bên đồng minh này nhưng bất thành. Sau 2 chiến dịch xuyên biên giới nhằm dập tắt tầm ảnh hưởng của người Kurd ở miền Bắc Syria trong những năm gần đây, hồi đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở chiến dịch lần thứ ba nhằm vào người Kurd.
Việc ông Trump nhanh chóng rút quân khỏi khu vực có chiến dịch của Ankara ban đầu vấp phải vô số lời chỉ trích từ cả phía trong nước và từ người Kurd ở Syria. Mỹ sau đó lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, và đạt được thỏa thuận ngừng bắn 5 ngày với Ankara. Sau đó, một thỏa thuận toàn diện hơn đã được ký kết sau khi ông Erdogan có cuộc thảo luận trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi.
Bất chấp thực tế là Mỹ đã rút quân, nhưng tướng Mazloum Kobane của SDF vẫn gửi lời cảm ơn tới ông Trump vì ký thỏa thuận ngừng bắn với Ankara và lời cam kết sẽ duy trì quan hệ đối tác với SDF.
Trong khi đó, Tổng thống Assad mới đây gọi việc thiết lập quan hệ đối tác với lực lượng người Kurd là “trách nhiệm quốc gia”, đồng thời tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ của Syria. Moskva cũng đưa ra quan điểm tương tự, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov nói với RIA Novosti rằng tất cả các giếng dầu “nên thuộc quyền kiểm soát của chính phủ hợp pháp”.
Một số báo cáo trước đó cho rằng SDF đã có một số thỏa thuận bán dầu cho chính phủ Syria. Khi nhận được câu hỏi từ báo giới về các vấn đề xung quanh giếng dầu ở Syria, một quan chức cấp cao nói rằng quyết định liên quan tới các nguồn tài nguyên này vẫn chưa được quyết định. “Tổng thống đã tuyên bố rằng chúng tôi sắp triển khai một lực lượng tới khu vực để bảo vệ những vùng có giếng dầu, cũng như tới căn cứ ở Al-Tanf, miền Nam Syria. Đây là những khu vực quan trọng cho phép chúng tôi kiềm chế sự trỗi dậy của IS” – vị quan chức cho hay.
"Con dao hai lưỡi"
Hiện nay, có rất nhiều người cho rằng chính sách "giữ giếng dầu ở Syria" của Mỹ là ý tưởng của một ai đó ở Washington - một nhân vật luôn khao khát thay đổi chế độ ở Syria trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm qua. Hãng NBC News thậm chí còn đưa ra một cái tên cụ thể: Tướng nghỉ hưu Jack Keane - chuyên gia phân tích quân sự cho kênh Fox News - người mới đây đã thông báo vắn cho ông Trump về các giếng dầu của Syria. Dù ông Keane là người luôn phản đối việc Mỹ rút quân khỏi Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung, nhưng ông Trump trước đây thường phớt lờ những lời khuyên của nhân vật này, thay vào đó trọng dụng một nhân vật khác ở Fox News là Tucker Carlson, và cựu đại tá Douglas Macgregor hơn - cả hai đều là những người ủng hộ việc rút quân khỏi Syria.
Những người phản đối kế hoạch điều binh bảo vệ giếng dầu ở Syria đều cho rằng đây là hành động phi pháp, cũng giống như sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này.
"Canh bạc dầu khí" của Mỹ có thể là một hành động phi pháp - và nó còn có thể tồi tệ hơn, là một sai lầm. Bằng việc duy trì binh sĩ ở Syria để "giữ giếng dầu", ông Trump có thể hứng thất bại thay vì chiến thắng.