Sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc thù luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội cả về chất lượng và giá cả, nhất là khi việc quản lý sản xuất sách giáo khoa chuyển từ cơ chế độc quyền Nhà nước sang cơ chế xã hội hóa, có cạnh tranh.
Tại sao giá sách giáo khoa mới tăng?
Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2020-2021, chương trình bắt đầu triển khai với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Sách giáo khoa (SGK) mới cũng đã được đưa vào nhà trường sử dụng đại trà.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng xuất bản SGK, từ lớp 2 trở đi, nhà xuất bản hợp nhất 4 bộ sách chỉ còn 2 bộ sách. Thế nên từ lớp 2 về cơ bản, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc có 3 bộ sách để lựa chọn sử dụng là: Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh Diều.
Hiện nay, SGK mới đang tiếp tục lộ trình của Bộ GDĐT và được đánh giá tiệm cận với SGK các nước phát triển, khổ SGK đã được điều chỉnh thành khổ lớn hơn. Bên cạnh đó, không chỉ SGK tiểu học được in 4 màu mà hầu hết SGK các lớp đều được in 4 màu.
Trước luồng ý kiến cho rằng, các nhà xuất bản cần tính toán, điều chỉnh lại giá SGK mới, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, về giá SGK, nhà xuất bản thực hiện triệt để yêu cầu của Chính phủ và Bộ GDĐT. Ngay sau năm đầu tiên chương trình mới thực hiện ở lớp 1 thì giá SGK lớp 2, lớp 6 đã được tính toán tiết giảm chi phí và để giá SGK của 2 lớp học này thấp hơn giá sách lớp 1. Đặc biệt ở SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 xuất bản năm nay, nhà xuất bản đã quyết liệt trong việc tiết giảm mọi chi phí để hạ giá SGK.
Cụ thể, so sánh giá SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm nay thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm từ 5 - 10% so với các lớp trước. Giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay có giá bìa thấp nhất so với giá các bộ SGK được lưu hành hiện nay.
NGƯT Ngô Trần Ái, Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam đưa ra hàng loạt nguyên nhân SGK mới cao hơn SGK cũ.
Nguyên nhân lớn nhất là SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do các nhà xuất bản, doanh nghiệp bỏ vốn tự có hoặc vốn vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức biên soạn, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút, quảng cáo, tập huấn giáo viên và không được ngân sách nhà nước chi trả cho một số khâu như trước đây.
Ông Ái cũng cho biết, giá SGK không phải do doanh nghiệp tự định đoạt mà đều phải kê khai các yếu tố cấu thành để Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính duyệt theo Nghị định số 177 của Chính phủ.
Cần quản lý giá sát với thực tế
Theo NGƯT Ngô Trần Ái, trên thực tế, giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của các gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác. Thực tiễn chọn SGK ở các tỉnh, thành cho thấy giá SGK chỉ là một trong những yếu tố tham khảo, tiêu chí quan trọng là chọn bộ SGK có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông.
Từ thực tế trên, ông Ngô Trần Ái kiến nghị Bộ GDĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để tham mưu Quốc hội quyết định vấn đề quản lý giá SGK cho sát với thực tế. Chính phủ chi ngân sách Nhà nước cho thư viện trường học mua SGK để học sinh mượn. Như vậy, học sinh không phải mua sách. Hằng năm, các nhà xuất bản cũng không cần in lại sách, trừ một số lượng nhỏ đáp ứng yêu cầu của những gia đình có nhu cầu mua sách riêng cho con. “Đây là kế sách căn bản, lâu dài để hàng năm không còn tiếng kêu về SGK”, ông Ái nói.
Đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, làm SGK có tính chất đặc thù, cần có tính chuyên nghiệp cao. Một nhà xuất bản làm SGK thực thụ phải là một đơn vị có khả năng đảm trách được mọi công đoạn của việc xuất bản SGK. Có như vậy mới có thể có sự điều phối của một “tổng đạo diễn”, đảm bảo cho SGK có được chất lượng, đúng tiến độ và giá cả hợp lý nhất.
Cũng theo nhà xuất bản này, SGK là một loại hàng hóa đặc thù, thường có tác động tới tâm lý và dư luận xã hội, cần có những quyết sách để ổn định SGK. Trong đó, có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành SGK.
Đánh giá kết quả thực hiện xã hội hóa SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT khẳng định, kết quả phê duyệt SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ GDĐT đối với các khối lớp đến thời điểm hiện tại đã khẳng định thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng thừa nhận những hạn chế trong việc tổ chức biên soạn, thực nghiệm SGK; chất lượng bản mẫu SGK; việc thẩm định, phê duyệt SGK.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là bài toán vừa mới vừa khó, chưa có tiền lệ khi thực hiện 1 chương trình nhiều SGK. Song cần thống nhất nhận thức SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến tay học sinh phải đảm bảo chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý.
Theo ông Độ, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1.
Về vấn đề giá SGK, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, các đơn bị xuất bản, phát hành SGK cần lưu ý đến các khâu như: yếu tố cấu thành giá sách và ban hành định mức kỹ thuật của sách.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Bộ GDĐT đang thả lỏng trong việc quản lý SGK. Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK đẩy SGK vào thế cạnh tranh. Các nhà xuất bản đưa ra nhiều bộ SGK, giá thành cao nhưng chất lượng lại không cao, vẫn còn có nhiều “sạn”. Bên cạnh đó, việc thiết kế sách chỉ dùng 1 năm rồi bỏ đi gây lãng phí lớn.
GS.TS Phạm Tất Dong cũng nêu quan điểm không đồng tình với một trong số lý do khiến giá SGK mới tăng vì chất liệu giấy tốt hơn, khổ giấy lớn hơn của SGK mới so với SGK cũ mà các nhà xuất bản đưa ra. Chuyên gia này cho rằng, SGK cần bảo đảm yêu cầu, khả năng của mọi người dân bởi không phải học sinh nào cũng có đủ điều kiện cũng như nhu cầu sử dụng SGK chất liệu tốt, khổ giấy lớn, quan trọng là vốn văn hoá học sinh được tiếp thu.
Thế nên, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, giá SGK cần được quản lý chặt chẽ hơn; phải do cơ quan chức năng kiểm định và không được để thị trường thiếu sách.