Liên quan đến hàng loạt sai phạm trong việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma, Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu rõ Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục Quản lý dược (QLD) chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm.
Công ty cổ phần VN Pharma.
Nguyên nhân sai phạm
Liên quan đến hàng loạt sai phạm trong việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma, theo TTCP xác định, nguyên nhân khách quan là tại thời điểm Luật Dược năm 2005 và Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực Dược. Chưa có sự kết nối, phối hợp trao đổi thông tin giữa Bộ Y tế với các cơ quan quản lý dược các nước… phục vụ cho công tác thẩm định, xét duyệt cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, cấp số đăng ký và cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.
Mặt khác, các giấy tờ FSC, GMP, tài liệu…bị làm giả, “hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của các đối tượng rất tinh vi, bằng quan sát bình thường không phát hiện được”. Tất cả các giấy tờ hợp pháp hóa lãnh sự đều đóng dấu nổi trên giấy in màu, bìa cứng, được niêm phong và kẹp chì nâu… Ngoài ra, tài liệu nộp tại Cục QLD đã được sao y công chứng theo quy định. Quá trình xác minh, điều tra vụ án phải mất nhiều thời gian mới đủ căn cứ kết luận hồ sơ về Công ty Helix Canada là giả mạo.
Về nguyên nhân chủ quan, TTCP kết luận, Bộ Y tế, Cục QLD chậm ban hành quy chế, quy trình nội bộ liên quan đến việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc, cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp phép hoạt động về thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Y tế chưa thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về hợp pháp hóa lãnh sự phục vụ thẩm định hồ sơ. Chưa khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp công việc thẩm định hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc, hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc.
Bộ Y tế chậm sửa đổi, ban hành mới các quy định về đấu thầu mua thuốc cho phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện chưa đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về công tác đấu thầu mua thuốc. Bộ Y tế và UBND các địa phương được kiểm tra chưa thực hiện thường xuyên công tác thanh, kiểm tra kết quả thực hiện đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế để làm cơ sở cho việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu năm kế hoạch. Phát hiện các thiếu sót, khuyết điểm từ đó có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, rút kinh nghiệm.
Các cơ sở y tế chậm thống kê tình hình sử dụng thuốc trong kỳ báo cáo. Công tác dự báo về cơ cấu bệnh tật, sự biến động thị trường dược… còn hạn chế. Các hội đồng, tổ chuyên gia tổ chức đấu thầu mua thuốc đại đa số là kiêm nhiệm, vừa thiếu về nhân lực lại vừa yếu về năng lực, về kiến thức đấu thầu và không được đào tạo bài bản, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm qua các đợt đấu thầu.
TTCP khẳng định, trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục QLD chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ được nêu tại phần Kết quả kiểm tra, xác minh.
Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định thuộc Bộ Y tế và cá nhân các chuyên gia thẩm định trực tiếp chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc, cấp phép nhập khẩu đối với 3 loại thuốc và cấp phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix.
Bên cạnh đó, UBND các địa phương và Ban Giám đốc các bệnh viện được kiểm tra chịu trách nhiệm trực tiếp về những tồn tại, vi phạm trong đấu thầu mua thuốc tại địa phương, đơn vị mình phụ trách, quản lý.
Đã truy tố 12 bị can về tội buôn thuốc giả
Liên quan đến sai phạm của Công ty cổ phần VN Pharma, trong tháng 7/2019, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ Công ty cổ phần VN Pharma buôn bán thuốc chữa bệnh ung thư giả trong đó có bị can Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi) nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma.
Trước đó, tháng 7/2017, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 9 bị cáo trong vụ án này. Tòa đã tuyên phạt 2 bị cáo Hùng, Cường cùng lĩnh 12 năm tù về tội “buôn lậu”, 7 bị cáo còn lại trong vụ án bị kết án về tội “buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, Viện Kiểm sát đã ra quyết định kháng nghị và đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại theo hướng thay đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội “buôn lậu” sang tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Tháng 10/2017, TAND cấp cao tại TP HCM đã chấp thuận kháng nghị của Viện Kiểm sát, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra, xác định lại về tội danh, xác định thêm đồng phạm. Tòa phúc thẩm cũng đề nghị làm rõ có hay không việc chi “hoa hồng” cho các bác sĩ... Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can gồm: Phan Xuân Thiện, Hoàng Trúc Vy và Phạm Quỳnh Trang, nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12 người.
Trên cơ sở điều tra lại, Viện KSND Tối cao xác định có đủ cơ sở kết luận, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến ngày 19/9/2014, Hùng thông qua Cường cùng với Nhật, Loan, Quốc, Phương, Thiện, Duy, Thông, Kiệt, Vy và Trang đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả, gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada giả, đóng dấu giả hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Đóng dấu Công ty Helix Canada giả vào hồ sơ để đề nghị Cục QLD cấp phép nhập khẩu thuốc. Làm giả hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời (thực tế đã nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita). Viện KSND Tối cao khẳng định toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất; giả về chất lượng (không sử dụng để chữa bệnh cho người).