Sân chơi cho trẻ em Hà Nội: Nơi nào cũng có thể làm được

KTS Trần Huy Ánh 29/06/2015 15:49

“Không còn đất để làm sân chơi trong phố” – đó là câu trả lời dễ nhận ra từ các cán bộ địa phương. Nhưng thực tế thì không hẳn như vậy.

Một vỉa hè mới lát xong, phía cuối thi công dang dở, một chiếc ô tô đã chiếm chỗ đỗ vào sân chơi cạnh vườn cây

Chỉ khi chơi mới xuất hiện sáng tạo

“Con người chỉ thực sự là chính mình khi chơi, chỉ trong khi chơi mới xuất hiện sáng tạo” - Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO giai đoạn 1987 – 1999 đã từng nói như vậy.

Chúng ta đang lo lắng khi con cháu chúng ta được chăm sóc bằng cách cho ăn uống nhiều hơn nhưng lại ít cơ hội vận động nên dễ thành lười biếng, trầm cảm, cục cằn đôi khi thiếu trí tưởng tượng. Những con số thống kê về trẻ tự kỷ/ cận thị/ béo phì/ nhiễu rối tâm lý... đang làm ta thêm e ngại. Nhân những ngày nghỉ, người ta hối hả đưa trẻ đi đây đó và tin tức về cơn cuồng “du lịch hành xác” hiện nhiều hơn trên báo chí. Tội nghiệp hơn, khi không có điều kiện, chúng ta bằng lòng xem cảnh con của các ông bà diễn viên, đóng vai chơi vui trên TV. Thay chơi điện tử trên IPAD, điện thoại, trẻ em được xem trẻ em diễn cảnh chơi trên màn hình để bớt cơn thèm được đùa chơi với nhau thực sự.

Con trẻ có cần nhiều lắm không? Sân chơi cho trẻ có quá xa xỉ trong những thành phố đông dân, còn những dự án đầu tư hạ tầng đô thị thiết yếu thường xuyên lỗi hẹn và thiếu hụt.

Trong một nghiên cứu về Hà Nội, tác giả người Thụy Điển Mikael Backmans và Maria Rundqvist đưa ra những ví dụ về trẻ em với sân chơi tại châu Á và châu Âu: Nếu như cậu bé Lào đủ can đảm trèo lên cây cao, hái những quả khế ngọt hôm nay thì ngày mai nó sẽ coi việc chinh phục những đỉnh núi cao là việc bình thường. Trong sân ngôi trường cũ còn sót lại một khung gỗ, những đứa trẻ thương lượng với nhau để đủ chỗ ngồi, chắc hẳn khi lớn lên, chúng sẽ biết chia sẻ không gian đủ sống trên thế gian.

Phương án đặt sân chơi, giành lại không gian cho trẻ em do KTS Bùi Thế Trung, Nguyễn Văn Hạnh đề xuất

Khắp nơi có thể làm sân chơi cho con trẻ

“Phần lớn sự vui chơi và giao lưu xã hội của trẻ em diễn ra tại những nơi công cộng gần nhà, các không gian công cộng ngoài trời gần nơi ở của trẻ em là một vấn đề trọng yếu” (Quy hoạch gia Kevin Lynch, UNESCO). Vấn đề là tìm đâu ra không gian trống để làm sân chơi ngay trong khu dân cư, khi từng tấc đất đều quy ra vàng và những nhà quản lý thì thường trực với câu trả lời “không còn quỹ đất ?!”. Nhưng nếu một ngày đẹp trời, quý vị bình tĩnh đi một vòng quanh khu vực sinh sống của mình, quý vị sẽ nhận ra nhiều địa điểm không ngờ: Một bãi tập kết phế thải tự phát?; Một bãi đỗ ô tô, xe máy đang chình ình trên đất công hay đất tư?; Một khu đất rào kín chờ đấu giá hay dự án treo (5-10 năm hoặc lâu hơn?) thậm chí nơi vốn là sân chơi đã bị sử dụng sai mục đích…

Tại phường Hạ Đình (Q.Thanh Xuân – Hà Nội), CLB Sống Xanh đã bàn bạc với ông Bí thư chi bộ khu dân cư về việc tận dụng một diện tích vỉa hè (trong dự án giao thông dang dở nhiều năm) để đặt đồ chơi và khoanh vùng an toàn cho trẻ chơi vui trong dịp hè. Khi nào dự án hoàn thành, đồ chơi sẽ lại di chuyển tới địa điểm khác. Điều đáng chú ý là nếu không đặt đồ chơi thì chỉ sau một đêm, ô tô cá nhân sẽ đậu kín chỗ này.

Trước đây CLB Sống Xanh cũng đã từng tổ chức các đợt khảo sát để phát hiện những khoảng đất trống đang bị bỏ hoang, đổ phế thải hay hay bị tư nhân chiếm giữ làm nơi tập vết VLXD, bãi đỗ ô tô hay dựng lều lán kinh doanh… Những nơi chỉ cần bỏ thêm chút ít công sức là có thể làm sân chơi, vườn cây nhỏ ngay trong khu dân cư… và các Ban Công tác mặt trận 8 khu dân cư cùng các thành viên CLB Sống Xanh trong phường đã không ngừng nghỉ trong nhiều năm để tạo dựng các sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng trải đều trên địa bàn phường .

Tại quận Hoàng Mai, các chị trong Hội Phụ nữ đã báo cáo với ông Chủ tịch phường về việc để đặt đồ chơi và khoanh vùng an toàn cho trẻ chơi vui dưới bóng cây xanh mát trên ven hồ,vì nếu không là sân chơi thì chỗ này cũng chỉ để bán giải khát và đỗ xe máy bừa bãi.
Trên phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ và phường Hàng Buồm đã hợp tác với các nhóm tình nguyện tổ chức “Sân chơi trên phố” vào buổi tối cuối tuần trên phố đi bộ (từ19h đến 21h). Hết giờ, đồ chơi được xếp gọn để hẹn tuần sau lại bầy ra, đồ chơi bằng tre, gỗ, cao su lắp ghép... vậy mà mỗi tối hàng trăm đứa trẻ dưới 8 tuổi được vui chơi rất hào hứng .

Hạnh phúc ở quanh ta…

Những câu chuyện kể trên cho chúng ta thấy ai cũng có thể tham gia tạo lập nơi chốn đẹp đẽ ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống... Là những người đã chung tay cùng bà con vài năm qua, chúng tôi thấy rất cảm kích trước những tấm gương các ông bà gương mẫu, không quản ngại khó khăn, tuổi cao sức yếu, ăn cơm nhà gánh vác việc chung, hay những nơi lãnh đạo địa phương có chính sách, văn bản kịp thời khuyến khích bà con tham gia tích cực hơn làm vườn hoa sân chơi... Tuy vậy, điều đơn giản mà làm cho nơi chốn hạnh phúc ấy mãi không thể trở thành hiện thực nếu chúng ta chờ đợi phép màu từ tận đâu đâu, cái tâm lý chờ đợi ấy còn nhiều. Nó biểu hiện từ những nhà quản lý luôn bận rộn những chuyện to tát mà quyên mất cái nhiệm vụ cỏn con là ủng hộ bà con làm nên không gian cộng đồng đoàn kết, con trẻ vui chơi lành mạnh. Có những nơi lãnh đạo hứa là sẽ đàm phán với các đơn vị thi công dành chỗ để đồ chơi cho các cháu cả tháng không có kết quả, nhưng để cái sân chung thành bãi đỗ hàng chục cái ô tô thì chỉ sau một đêm.

Điều băn khoăn nhất là các công việc tại cộng đồng rất thiếu vắng các bạn trẻ, nhưng khi có sân chơi thì thanh niên xuất hiện rất nhanh... đến tranh chỗ chơi với các em nhỏ, vẫn còn nhiều chuyện cần bàn để biến nơi chốn của chúng ta trở nên hạnh phúc, đẹp đẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân chơi cho trẻ em Hà Nội: Nơi nào cũng có thể làm được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO