Nghỉ hè luôn là thời điểm mà cả phụ huynh lẫn trẻ em ở các thành phố lớn đều mong muốn có thêm những sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, vui vẻ và hấp dẫn. Thế nhưng, dù có nhiều loại hình giải trí, song dường như vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi mà còn bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ em thông qua vui chơi, giải trí.
Vắng các sân chơi
Trong bối cảnh hiện nay, khi trò chơi điện tử, mạng internet đang trở nên khó kiểm soát, nhiều phụ huynh muốn tìm những sân khấu bổ ích cho con trẻ vào dịp nghỉ hè. Thế nhưng, hè này, từ âm nhạc, điện ảnh đến các chương trình giải trí đều trở nên khan hiếm.
Hiện nay gameshow dành cho trẻ em đang rơi vào tình trạng bão hòa, thậm chí có những chương trình ngưng phát sóng… Hè này cũng chỉ có một số gameshow như: “Ngôi làng vui vẻ”, “Lof Kun - Cùng con trưởng thành, cùng con hạnh phúc”… phát rải rác trên kênh THVL, VTV…
Ở mảng phim truyện (truyền hình và điện ảnh) Việt chiếu hè đã vắng bóng từ nhiều năm nay, phim hoạt hình cũng chỉ giới thiệu nhỏ giọt trên mạng hay truyền hình. Vì vậy, hè này khán giả chỉ có thể xem lại một số bộ phim truyện Việt cũ được phát lại trên truyền hình.
Theo thống kê từ các cụm rạp, các bộ phim ra rạp chủ yếu là phim nhập ngoại. Sau thành công phòng vé trong năm tháng đầu năm 2023 với tổng doanh thu nghìn tỷ (đặc biệt là phim Việt từ “Nhà bà Nữ” và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”), điện ảnh Việt bỗng dưng vắng bóng trong ba tháng hè. Thực đơn hè này chủ yếu là phim live - action (người đóng) và hoạt hình của Hollywood, Nhật Bản như: “Spider-Man: Across the Spider-Verse”, “Ruby Gillman, Teenage Kraken”, “Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutant Mayhem”, “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời”…
Không chỉ gameshow, phim truyện, âm nhạc cho trẻ nhỏ cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Những ca khúc dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi ngày càng ít ỏi. Thay vào đó, trẻ em phải nghe những ca khúc người lớn với ca từ và giai điệu "lớn" hơn so với tầm suy nghĩ của mình, thậm chí nhiều bài hát có nội dung tình yêu nam nữ ủy mị, thất tình...
Thiếu không gian vui chơi văn hóa cho trẻ không chỉ là vấn đề của phụ huynh nông thôn mà còn là nỗi lo của phụ huynh ở thành phố. Chị Linh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Khu nhà tôi ở không có sân bóng, không có bể bơi, không có khu vui chơi cho các cháu. Năm nay, tôi cũng không biết cho con xem gì, chơi gì nếu các chương trình văn hóa, giáo dục trẻ càng ngày càng trở nên khan hiếm”
Cũng như chị Trang, anh Hoàng Hùng (Vinh, Nghệ An) cũng đau đầu vì chưa biết quản lý con như thế nào khi hè tới. Theo anh Hùng, các chương trình cho trẻ em chiếu trên vô tuyến rất ít, nếu cho các con xem đi xem lại thì sẽ dẫn đến tình trạng nhàm chán. Bên cạnh đó, số lượng phim cho trẻ nhỏ cũng chưa thật sự phong phú, đa dạng, chủ yếu các bộ phim phần đa dành cho người lớn”.
Cách nào lấp “lỗ hổng”?
Một nhà sản xuất gameshow cho rằng, để giữ chân và hấp dẫn khán giả nhí, ngoài câu chuyện kịch bản thì các yếu tố phụ trợ rất cần được quan tâm đưa vào các chương trình. Có những thời điểm, gameshow cho trẻ nở rộ, rất được quan tâm và yêu thích. Nhưng gần đây, nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư, làm tiền kì và hậu kì đã khiến rất ít nhà sản xuất Việt Nam mặn mà với các chương trình dành cho trẻ em…
Trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (2021), Hội đồng Đội Trung ương đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi, với trên 500 bài hát của gần 400 tác giả tham dự.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết: "Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi.
Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, sắp tới hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi…".
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chương trình thiếu nhi thực sự thu hút cần nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là được xã hội ủng hộ, có chính sách cởi mở về nội dung và đầu tư tài chính. Đạo diễn Quách Khoa Nam - người từng làm 90 phim cổ tích lẻ và 100 tập cổ tích trên các chương trình truyền hình khẳng định, các bộ phim cổ tích vẫn được khán giả, đặc biệt là khán giả nhí yêu thích.
“Để thực hiện những chương trình hay, thu hút được đối tượng khán giả thiếu nhi cần chú trọng đầu tư chương trình một cách chỉn chu, đúng chất cổ tích, tạo cho trẻ những sản phẩm gần gũi mà lạ lẫm, kích thích thị giác, nội dung thu hút, đi kèm với tính giáo dục nhằm kéo trẻ ra khỏi chiếc điện thoại thông minh”, nam đạo diễn nhấn mạnh.