Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa cho biết, từ tháng 3 đến nay, trên vùng biển Côn Đảo đã xảy ra hiện tượng các rạn san hô bị tẩy trắng và chết trên diện tích khoảng từ 600ha - 800ha.
Trong đó, xảy ra mạnh nhất là thời điểm tháng 5 khiến tình trạng tẩy trắng diễn ra rất nhanh. Cụ thể, có 8 khu vực chính xảy ra tình trạng san hô bị tẩy trắng là: biển vịnh Côn Sơn, hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, biển Đầm Tre, biển Hòn Tre lớn, biển Ông Đụng, biển Hòn Tre nhỏ.
Các loài san hô bị tẩy trắng là nhóm loài: san hô cành, san hô khối, san hô phiến và san hô nấm, trong đó, nhóm loài san hô cành, khối, phiến bị tẩy trắng nhiều nhất. Ước tính, diện tích san hô Côn Đảo bị tẩy trắng từ 400-500 ha, chiếm khoảng 1/4 diện tích san hô ở vùng biển Côn Đảo.
Độ sâu san hô bị tẩy trắng từ 3 đến 15 mét (từ mức triều cạn đến độ sâu hết phân bố rạn san hô). Tỉ lệ san hô bị tẩy trắng trung bình khoảng 30-40%, trong đó, có những khu vực tỉ lệ bị tẩy trắng lên tới 70-80% như vùng rạn san hô mặt trước hòn Cau và Đầm Tre (hướng Đông của Côn Đảo).
Ban Quản lý VQG Côn Đảo cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rạn san hô bị tẩy trắng là do hiện tượng El Nino làm nước biển nóng lên bất thường và hiện tượng El Nino hoạt động mạnh vào tháng 5.
Theo khảo sát của Phòng Bảo tồn Biển, đất ngập nước thuộc Ban Quản lý VQG Côn Đảo, hầu hết loài san hô phiến (nhóm Porites), san hô nấm dạng hình tròn và san hô khối bị tẩy trắng hoàn toàn và có nguy cơ chết rất cao. Còn các loài san hô cành bị tẩy trắng chủ yếu ở các cành bên ngoài, trục thân giữa vẫn còn nhớt, còn màu của vi tảo cộng sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng nắng nóng còn kéo dài sẽ bị chết.
Hiện, Ban quản lý VQG Côn Đảo đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các trạm kiểm lâm tiếp tục theo dõi diễn biến của hiện tượng san hô bị tẩy trắng, đồng thời phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành điều tra chi tiết tỷ lệ san hô bị tẩy trắng để có hướng chỉ đạo ứng phó.