Là loại sản vật khá quen thuộc và xuất hiện ở nhiều nhà hàng, quán ăn vùng biển nhưng ít người biết, nghề săn bắt ốc tỏi khá nhọc nhằn. Trò chuyện cùng ngư dân săn ốc nơi đảo xa phía biển Tây Nam, chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc mưu sinh của những thợ lặn.
Kiếm sống dưới đáy đại dương
Gần 4 giờ chiều, nắng vẫn còn khá gay gắt trên bến tàu ở đảo Hòn Lớn nằm trong quần đảo Nam Du thuộc địa giới hành chính xã An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang), hàng chục ghe lặn của ngư dân liên tiếp cập bến. Mùa này, ngoài các loại thủy sản truyền thống, ốc tỏi là sản vật được ngư dân săn bắt nhiều nhất. Ốc tỏi có hình dáng tròn nhìn giống củ tỏi, to bằng quả trứng vịt, màu nâu óng ả khá đẹp.
Anh Trần Văn Hòa, 36 tuổi, ngư dân làm nghề lặn ốc tỏi cho biết thời điểm ốc xuất hiện nhiều ở khu vực đảo Nam Du là khoảng cuối năm. “Ngoài đất liền tôi ở gần Giồng Riềng nhưng theo ghe ra ngoài này lặn ốc, sò quanh năm. Mùa này ốc tỏi và ốc giác là nhiều nhất, con nào cũng bự. Ghe tôi có 8 anh em, đều trong đất liền ra ngoài này lặn ốc. Ban ngày chúng tôi đi quanh mấy đảo Hòn Cò, Hòn Ông, Hòn Tre… để lặn, chiều lại về cảng bán cho thương lái. Ở đây họ mua ốc rồi đem về Rạch Giá, Cần Thơ. Giờ tàu cao tốc tiện lắm, ngày mấy chuyến mà đi chỉ mất có hơn tiếng đồng hồ thôi”, anh Hòa cho biết. Cũng theo người đàn ông này, đồ nghề lặn ốc tỏi của anh khá đơn giản, chỉ là một chiếc bao đan bằng lưới đeo trước bụng, một chiếc gậy i-nox chuyên dụng có răng dài gần nửa mét, bộ ống thở tự chế ngậm vào miệng, kính lặn là có thể làm việc được. Hôm nào nắng đẹp thì lặn 7-8 giờ đồng hồ còn ngày mưa gió thì tàu neo lại cảng nghỉ ngơi.
Vừa buộc lại chiếc túi lưới, vừa kiểm tra ống thở, kính lặn rồi xếp ngay ngắn lại, anh Hòa vừa bảo nghề lặn ốc có đặc thù khác với những nghề biển như đi lưới, câu mực, đóng đáy… “Những khi biển động, mưa bão sóng gió thì nghề biển mới nguy hiểm còn nghề lặn, tai nạn luôn rình rập trong những ngày nắng đẹp. Bởi nguy hiểm đối với nghề lặn là những sinh vật dưới đáy biển”, anh Hòa nói rồi chìa đôi bàn tay cho chúng tôi xem, anh nói tiếp: “Tôi bị không biết bao nhiêu lần cầu gai, hàu châm vào tay rồi. Có bữa chảy máu, nhức buốt phải nghỉ cả tuần đấy. Nhưng sợ nhất là bị tê tay chân không lên mặt nước kịp. Những lúc ấy mình phải giật dây ống thở liên lục để anh em trên ghe biết kịp thời hỗ trợ”.
Một bạn đồng nghiệp của anh Hòa là anh Nghĩa, 52 tuổi quê ở Trà Vinh nhưng lưu lạc về đây làm nghề biển. “Trước kia tôi đi theo tàu câu mực, câu cá ngừ đại dương ra cả hải phận quốc tế nữa. Gần chục năm trước có lần tàu bị bão đánh hư, trôi dạt mãi một năm mới về được quê. Ở nhà vợ tưởng mình đắm tàu mất mạng nên dẫn con gái lên Cần Thơ làm thuê. Tôi về tìm lên Cần Thơ thì người ta chỉ hai mẹ con xuống Rạch Giá nên lần tìm theo. Bây giờ vợ chồng tôi mua mảnh đất dựng nhà ở bên Hòn Đất ấy, từ lộ 80 đi vào chỉ gần 5 km. Hai mẹ con hiện bán bún trên Rạch Giá còn tôi vẫn theo nghề lặn biển, tuần nào cũng về. Nghề lặn biển kén người lắm, chỉ ai sức khỏe tốt mới chịu được áp lực dưới đáy biển. Tôi nghĩ mình lặn vài năm nữa rồi về phụ bán bún cho bà xã”, anh Nghĩa chia sẻ.
Cuộc sống nơi biển xa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngư dân săn ốc tỏi ở khu vực đảo Nam Du thường đi theo nhóm từ 7 - 10 người trên cùng một chiếc ghe. Chủ ghe có nhiệm vụ chở thợ lặn ra ngư trường, là vùng biển ven các đảo ở trong khu vực này. Khi tới ngư trường, các thợ lặn chuẩn bị đồ nghề và bắt đầu làm việc. Thông thường mỗi ca lặn khoảng 2 giờ đồng hồ. Thợ lặn sẽ trồi lên mặt nước đem sản phẩm của mình về ghe, nghỉ ngơi lấy sức. Cánh thợ lặn trẻ có sức khỏe thì ngày lặn được 6 - 7 tiếng, người có tuổi như anh Nghĩa chỉ lặn chừng 5 tiếng. Giữa mỗi ca lặn, thợ có thể nghỉ ăn uống theo nhu cầu. Toàn bộ chi phí xăng dầu, cơm nước đều do chủ ghe cung cấp. Cuối ngày, khi đem sản phẩm về cầu cảng bán cho thương lái, thợ lặn sẽ giữ lại 7 phần, còn 3 phần chia cho chủ ghe. Thợ lặn có thể ở trên ghe hoặc thuê phòng trọ trên đảo.
Kể về thu nhập của nghề lặn, anh Hòa bảo mùa này ốc tỏi nhiều nên kiếm khá hơn chút đỉnh. “Ở đây thương lái họ thu mua 1 kg ốc tỏi là 70 ngàn đồng, ốc giác là 90 ngàn đồng, còn sò hay ốc móng tay chỉ 40-50 ngàn đồng tùy theo loại to hay nhỏ. Có ngày nắng đẹp tôi lặn được hơn 30 kg ốc đó. Ở dưới đáy biển mình cũng đi như trên bờ vậy. Khi thấy những vết nhỏ cát trồi lên là chắc chắn dưới đó có đám ốc. Còn không thì mình lấy gậy i-nox cào cào trên mặt cát sẽ gặp ốc. Dưới đó anh em thường đi theo nhóm 2-3 người gần nhau, có thể nhìn thấy nhau để hỗ trợ khi người nào gặp sự cố. Tôi làm nghề lặn cũng gần chục năm rồi, kiếm tiền khá nhưng cực lắm. Vài năm nữa con lớn thì tôi cũng về bờ nghỉ ngơi”, anh Hòa cười cho biết. Hiện anh Hòa cùng mấy người bạn ở luôn trên chiếc ghe của chú Sáu. Chú Sáu khá lớn tuổi, sức khỏe tốt nhưng lại bị khiếm thính nên phải sử dụng cử chỉ khi giao tiếp.
Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ, nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 110 km nhưng cách đất liền nơi gần nhất (khu vực rừng U Minh Thượng) chỉ hơn 50 km. Các đảo có diện tích lớn nhỏ khác nhau, nằm rải rác và cách nhau từ 3 - 10 km. Các đảo ở Nam Du được chia thành hai đơn vị hành chính gồm xã đảo An Sơn và xã đảo Nam Du, đều thuộc huyện Kiên Hải, là nhóm đảo du lịch nổi tiếng nhất khu vực phía Nam chỉ sau Phú Quốc. Dù là địa điểm du lịch nổi tiếng bởi nét hoang sơ, vẻ đẹp tự nhiên biển đảo nhưng Nam Du cũng là ngư trường đánh bắt lâu đời với nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, đặc biệt là các loại giáp xác hai mảnh, ốc sò. Nếu như trước kia, ngư dân đánh bắt quanh quần đảo Nam Du phải đem sản phẩm vào bờ để tiêu thụ thì hiện nay nhờ các tàu du lịch cao tốc, sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn. Mỗi ngày đều có nhiều chuyến tàu cao tốc từ Rạch Giá hay Phú Quốc tới Nam Du (và ngược lại) giúp cho các loại hải sản được tiêu thụ dễ dàng. Ngoài ra, đảo cũng thu hút lượng lớn du khách cũng giúp cho hải sản của ngư dân được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Xế chiều, mặt trời đã lặn phía biển xa xa, những chiếc ghe lặn chuẩn bị nhổ neo để chạy ra phía ngoài cách cầu cảng chừng vài trăm mét để thả neo. Những người thợ lặn, sau khi cầm số tiền kiếm được trong ngày thì bắt đầu thu dọn đồ đạc để nghỉ ngơi. Ở phía sau đuôi ghe, chú Sáu đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm chiều. Thường chú chỉ mua rau trên đảo còn đồ ăn của chú là mực, ốc, cá chình được thợ lặn bắt. Thi thoảng, nhóm thợ lặn mới được “ăn ngon” khi những bữa cơm đổi món có thịt heo, trứng vịt.