Sản phẩm khoa học cũng cần đẹp

Thu Hương 26/08/2016 08:30

Tâm niệm cần chế tạo sản phẩm khoa học không chỉ tốt về mặt công nghệ, tính năng mà còn phải đẹp về mặt hình thức, TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM) - tác giả của kính dẫn đường cho người khiếm thị (Mắt thần) đã liên tục cải tiến để sản phẩm phù hợp hơn với người dùng.

Sản phẩm khoa học cũng cần đẹp

Phiên bản mới nhất của Mắt thần rất gọn nhẹ, thời trang.

“Kính tốt, nhưng 20kg thì khó dùng”

Đó là chia sẻ của một trong những khách hàng đầu tiên của kính Mắt thần do TS Nguyễn Bá Hải sáng tạo nên khiến anh không khỏi trăn trở. Nhớ lại những ngày đầu tiên, chiếc kính Mắt thần có trọng lượng nặng đến gần 20kg và hình dáng giống một chiếc mũ đội đầu. Sản phẩm đã được một số người khiếm thị sử dụng và cho phản hồi tốt khiến chàng kỹ sư trẻ tự tin hơn để theo đuổi hướng nghiên cứu của mình.

Bên cạnh việc cải tiến các tính năng để làm sao chiếc kính hữu ích hơn, nhận diện được nhiều vật cản trái, phải, trên, dưới rồi báo rung cho người dùng biết để chọn hướng đi an toàn… hơn, TS Hải cho biết anh cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu chiếc kính sao cho nhỏ gọn, thời trang hơn. Bởi muốn Mắt thần trở thành vật bất ly thân của người khiếm thị thì việc luôn cõng theo một chiếc ba lô 20kg trên lưng là điều không thể!

Qua hơn chục lần cải tiến, đến nay chiếc kính Mắt thần đã gọn nhẹ hơn gấp hàng chục lần so với ngày ra mắt đầu tiên. Về hình thức cũng có nhiều kiểu dáng đa dạng hơn cho người dùng lựa chọn. Nếu là nữ, có thể lựa chọn kính có hình dạng giống như một chiếc băng đô của phụ nữ, khá thời trang. Hoặc kính có tròng trong suốt và hình dáng giống hệt như một chiếc kính bình thường nên rất tiện lợi cho người sử dụng.

TS Hải cho biết, với thiết kế thân thiện hơn, Mắt thần được những người khiếm thị rất thích thú vì ngoài sự tiện ích rõ ràng mà chiếc kính đem lại, thì thời trang cũng là điều mà họ quan tâm. “Không ai muốn mình xấu cả, nhất là với một vật thường xuyên đem theo bên người thì càng nhỏ gọn, tiện ích và đẹp thì càng tốt”- TS Hải cho biết sau quãng thời gian gắn bó, đồng hành với người khiếm thị.

Bản thân anh và nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục làm việc để đem đến những sản phẩm tốt nhất, không chỉ về mặt công năng mà còn về mặt thẩm mỹ và giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất để chiếc kính đến tay được nhiều người khiếm thị hơn nữa.

Cần quan tâm đến tính thẩm mỹ

Với 3 sinh viên Phạm Hồng Trường, Nguyễn Thành Minh và Lê Hoàng của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, vấn đề thẩm mỹ của sản phẩm khoa học mà các em chế tạo ra đang là một bài toán không dễ giải. Chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời có thể chở 200kg mà không cần đạp do nhóm chế tạo đã giành giải nhì cuộc thi “Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu” do trường và Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức cách đây hơn 4 tháng.

Với đặc thù ở Đà Nẵng, xích lô là một phương tiện giao thông góp phần quan trọng vào nét đẹp văn hóa du lịch, được du khách, nhất là du khách nước ngoài rất thích nên sản phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng.

TP Đà Nẵng chủ trương đầu tư sản xuất thí điểm 10 chiếc với điều kiện cần khắc phục một số nhược điểm nhỏ như khối lượng nhẹ hơn, kích thước gọn hơn và tháo lắp dễ dàng để phù hợp làm du lịch. Tuy nhiên theo lý giải của nhóm, do ngay từ khâu thiết kế ban đầu, nhóm không chú trọng đầu tư hình thức nên xe đang dùng pin cứng, xe nặng nề và không đẹp bằng những loại xích lô khác. Yêu cầu thay thế bằng loại pin mặt trời dạng dẻo không đơn giản.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm khoa học tốt, có đầu ra nhưng lại chưa thể thương mại hoá dù đã có chủ trương, tạo điều kiện từ phía các nhà quản lý mà vấn đề vướng mắc là do tính thẩm mỹ chưa đạt yêu cầu.

Chia sẻ về điều này, GS TSKH Nguyễn Thiện Phúc- Trưởng ban giám khảo ban khoa học kỹ thuật, giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam 2015 (Vifotec) cũng từng cho biết, bản thân trong tiêu chí chấm giải của các giải về khoa học, công nghê mà ông tham gia, hầu như không có tiêu chí thẩm mỹ. Đa số mới mới dừng lại ở khả năng ứng dụng.

Rõ ràng, nếu như ngay từ khi thiết kế, lập dự án, nhà khoa học bên cạnh việc quan tâm đến tính năng của sản phẩm còn chú trọng đến hiệu quả thẩm mỹ thì bài toán đầu ra của sản phẩm khoa học sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi hiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường là rất lớn. Một sản phẩm dù tốt đến mấy nhưng quá cồng kềnh, xấu xí thì rất khó thuyết phục nhà đầu tư và người tiêu dùng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm khoa học cũng cần đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO