Kinh tế

Sẵn sàng cho 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao

Thanh Tiến 05/04/2024 08:27

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu đẩy mạnh thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Một thông tin làm nức lòng bà con nông dân chính là khi thực hiện trồng 1 triệu héc ta lúa, họ không chỉ có lúa gạo chất lượng, giá cao mà còn có cơ hội bán tín chỉ carbon, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

cover.jpg
Phát triển bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao giúp giảm phát thải, tiết kiệm chi phí sản xuất (Trong ảnh: Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa Đông Xuân). Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khi thực hiện vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể giảm 10 triệu tấn carbon. Với đề án này, WB cũng cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Làm sao để nông dân có thể giàu từ lúa gạo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, Bộ đã lựa chọn 5 mô hình điểm (quy mô 50 - 100ha) ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải và phương pháp MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính) tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ để triển khai đề án trong giai đoạn 2024 – 2025 và triển khai thí điểm trong vụ Hè Thu sắp tới. Đến tháng 8 - 9/2024, khi đã hình thành được lúa giảm phát thải, các địa phương tiếp tục triển khai thêm vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024 - 2025. Sau 3 mùa vụ sản xuất lúa, đánh giá, đo đạc, Bộ NNPTNT sẽ phê duyệt kế hoạch hệ số giảm phát thải.

Là một trong 5 địa phương được Bộ NNPTNT lựa chọn thực hiện mô hình điểm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cho mục tiêu này. “Tỉnh đăng ký 6 huyện trọng điểm sản xuất lúa với 42 xã thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa; đã tiến hành khảo sát và lựa chọn 1 hợp tác xã (HTX) điểm để làm mô hình”- ông Đông thông tin.

Còn tại TP Cần Thơ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho hay, sẽ triển khai mô hình thí điểm trên diện tích 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh. “Ngày 5/4, tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Bộ NNPTNT tổ chức Lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” - ông Nghiêm thông tin.

Theo các xã viên HTX Nông nghiệp ấp Kinh 5A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), về lâu dài, nông dân cần chuyển dần sang canh tác lúa sạch để phát triển bền vững.

Hiện HTX Nông nghiệp ấp Kinh 5A đã đăng ký tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Theo ông Đỗ Văn Luông – Giám đốc HTX Nông nghiệp ấp Kinh 5A, các xã viên kỳ vọng đề án sẽ gỡ được mọi nút thắt về cảnh giá lúa gạo bấp bênh, đảm bảo người nông dân có thể làm giàu từ lúa gạo.

Để triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp bà con tổ chức lại sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp (DN).

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tại 12 tỉnh, thành triển khai Đề án, đến thời điểm hiện tại đã thành lập được hơn 900 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 10.000 thành viên. Đề án sẽ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông để đào tạo lại nông dân tại các địa phương tham gia.

Nhiệm vụ của khuyến nông cộng đồng là tư vấn, hỗ trợ người nông dân, HTX chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; Xây dựng kế hoạch sản xuất; Hướng dẫn nông dân, HTX tham gia thực hiện các dự án khuyến nông trong vùng nguyên liệu; Kết nối thị trường; Tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp và hỗ trợ HTX tham gia thị trường, liên kết chuỗi giá trị, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng công cụ thúc đẩy thương mại sản phẩm.

“Hệ thống có 3 điểm mạnh. Thứ nhất là mạnh về tổ chức. Chúng tôi có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Thứ 2, ổn định về tài chính. Thứ 3, khuyến nông quốc gia là khuyến nông công, phi lợi nhuận và phục vụ nhân dân, chứ chúng tôi không làm thương mại” - ông Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng đã thành lập nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Theo ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NNPTNT, việc thành lập nhóm Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo sẽ góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. “Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, DN, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư” - ông Châu nhấn mạnh.

anh1.jpg
Cơ giới hóa trên cánh đồng ở Hậu Giang. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần sự đồng hành của các tổ chức tín dụng

Theo các chuyên gia và các DN, để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ngoài các yếu tố về chính sách, kỹ thuật công nghệ thì một yếu tố quan trọng là sự đồng hành của các ngân hàng trong việc hỗ trợ các gói chính sách tín dụng cho người sản xuất, HTX và DN tham gia.

“Ví dụ nông dân giao lúa tươi cho HTX, DN tại ruộng thì DN phải có máy sấy lúa, dụng cụ chứa lúa và thanh toán tiền cho nông dân khi thu hoạch…. Cần có sự đồng hành của ngân hàng vì không có tiền thì không thể thực hiện được” - ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ.

Thông tin từ Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank) cho biết, ngân hàng cam kết sẽ tập trung tối đa nguồn lực ưu tiên cho chương trình tín dụng này, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng (Agribank) tại khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt sấp xỉ 30.000 tỷ đồng với khoảng 38.000 khách hàng. Đây là khu vực cho vay ngành lúa gạo lớn nhất trong hệ thống Agribank (chiếm tỷ trọng 48% dư nợ). Tuy nhiên, hiện lĩnh vực cho vay ngành lúa gạo vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

“Khó khăn thứ nhất là về tài sản bảo đảm. Thực tế hiện nay, khu vực nông thôn có nhiều hộ gia đình chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, dẫn đến việc định giá tài sản thế chấp gặp khó khăn, giá trị đất tại khu vực nông thôn thấp trong khi nhu cầu vay vốn lớn; đối với tài sản là hàng tồn kho, khó thực hiện việc kiểm đếm và quản lý. Thứ hai, liên kết giữa các nhà thu mua với người nông dân chưa đồng bộ...” - ông Ngọc chia sẻ.

Cũng theo ông Ngọc, hiện Agribank đang xây dựng một chương trình tín dụng ưu đãi để cho vay đối với các cá nhân, hộ trồng lúa, tổ hợp tác, HTX, DN tham gia liên kết, các nội dung cụ thể sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngân hàng nhà nước.

“Để chương trình đạt hiệu quả, nhanh chóng đi vào thực tế, Agribank kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét quy định điều kiện cho vay theo hướng: Tất cả chủ thể tham gia cùng 1 chuỗi liên kết phải thực hiện giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi liên kết đó bằng tài khoản mở tại cùng 1 tổ chức tín dụng. Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong chuỗi, bảo đảm dòng tiền sử dụng vốn đúng mục đích, từ đó bảo đảm an toàn vốn vay” – ông Ngọc thông tin.

Ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam:

Sẽ có gạo thân thiện môi trường

anh2.jpg

Với 8 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm, nếu chúng ta có nhãn hiệu gạo thân thiện với môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải thì đó là hình ảnh không chỉ cho hạt gạo Việt Nam mà nó còn là hình ảnh nông nghiệp Việt Nam, đất nước Việt Nam. Nếu nông dân thực hiện những quy trình sản xuất chất lượng cao, sản xuất giảm phát thải thì sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất, lúa làm ra đạt chất lượng cao sẽ có giá bán sẽ tốt hơn. Làm đúng theo quy trình còn được chứng nhận và được các tổ chức quốc tế mua tín chỉ carbon và nông dân là người hưởng lợi chính trong việc chi trả tín chủ carbon. DN xuất khẩu gạo cũng bán được với giá cao hơn và giá thu mua của nông dân cũng cao hơn. Cả DN, Nhà nước và nông dân đều có lợi.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An:

Nông dân hoàn toàn có thể giàu từ gạo

anh3.jpg

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ có ý nghĩa về thân thiện với môi trường mà còn tạo sự ổn định sản xuất và tiêu thụ của lúa gạo. Xu thế biến đổi khí hậu cực đoan đang lan rộng khắp thế giới, làm giảm diện tích lương thực khiến gạo tiếp tục khan hiếm, trong khi nước ta có thế mạnh về lúa gạo cộng với việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chúng ta hoàn toàn có nhiều hy vọng người nông dân có thể giàu lên từ hạt gạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng cho 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO