Trước thềm Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam được tổ chức vào ngày 17/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định với Đại Đoàn Kết: Đến nay công tác chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương đã cơ bản được hoàn tất, bảo đảm đúng đủ quy trình, thủ tục đã được pháp luật quy định.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
PV: Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, cử tri cả nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào các vòng hiệp thương của Mặt trận tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội lần này, nhất là việc làm sao không bỏ sót người tài, đức. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị - pháp lý lớn của đất nước. Thông qua bầu cử, cử tri thực hiện quyền dân chủ bằng việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội.
Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tham gia và giám sát để cuộc bầu cử diễn ra thành công. Các Hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là khâu rất quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện trọng trách giới thiệu danh sách những người ứng cử xứng đáng nhất để nhân dân lựa chọn, bầu tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp với yêu cầu: Bảo đảm dân chủ, chất lượng, thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để thực hiện tốt trọng trách này, quá trình chuẩn bị để tổ chức Hội nghị hiệp thương phải được tổ chức chặt chẽ qua nhiều khâu. Để lựa chọn, lập danh sách những người ứng cử, thì ngoài căn cứ vào tiêu chuẩn, hồ sơ ứng cử của đại biểu do Hội đồng bầu cử cung cấp còn phải căn cứ vào kết quả ý kiến nhận xét của cử tri từ nơi công tác (nơi làm việc) đến nơi cư trú của người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.
Cụ thể: Căn cứ vào tiêu chuẩn và hồ sơ ứng cử và kết quả hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc, các biên bản bản giới thiệu người ứng cử của ban lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tiến hành lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Căn cứ tiêu chuẩn, hồ sơ của đại biểu và kết quả hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét, tín nhiệm đối với người ứng cử, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ tiến hành lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Quyền lựa chọn cuối cùng để bầu ra các đại biểu tham gia vào Quốc hội thuộc về cử tri, do đó bên cạnh việc tổ chức tốt bước giới thiệu người ứng cử thì còn phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các bước lấy ý kiến của cử tri; cung cấp thông tin về các ứng cử viên cho cử tri, đặc biệt là công tác tuyên truyền để cử tri nắm được các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử.
Thưa Phó Chủ tịch, cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam chuẩn bị như thế nào?
- Theo quy định tại Điều 43 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trước đó, ngày 16 tháng 2 năm 2016, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Căn cứ vào kết quả hiệp thương đó và sự điều chỉnh lần thứ nhất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 10 tháng 3 năm 2016, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được phân bổ số lượng đại biểu đã tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến nhận xét đối với người được giới thiệu ra ứng cử.
Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã họp mở rộng để thảo luận giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đã gửi biên bản giới thiệu người ứng cử, biên bản hội nghị cử tri nơi công tác về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã gửi danh sách trích ngang, bản sao tiểu sử tóm tắt và Bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, nghiên cứu, chuẩn bị các tài liệu trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.
Có thể nói, đến nay công tác chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương đã cơ bản được hoàn tất, bảo đảm đúng đủ quy trình, thủ tục đã được pháp luật quy định.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc lựa chọn ĐBQH không nhất thiết phải quan tâm đến cơ cấu, thành phần mà quan trọng nhất là làm thế nào để nâng cao chất lượng đại biểu, thưa ông?
- Yêu cầu vừa phải bảo đảm về chất lượng đại biểu và vừa bảo đảm về cơ cấu, thành phần hợp lý là vấn đề đặt ra cho mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Yêu cầu này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm để Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước CHXHCN Việt Nam, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn đã nêu rõ yêu cầu quá trình tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cần coi trọng chất lượng đại biểu, đồng thời bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.
Hiện nay, trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, các vùng miền của cả nước đều có những người có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội để cử tri cả nước có thể lựa chọn được những người đại biểu Quốc hội có chất lượng tốt, đồng thời bảo đảm được cơ cấu, thành phần phù hợp của Quốc hội. Do đó, trách nhiệm rất lớn trước nhân dân của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là phải phát hiện, giới thiệu, động viên và tạo điều kiện cho những người xứng đáng nhất ra ứng cử để nhân dân sáng suốt lựa chọn tham gia vào Quốc hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Lê (thực hiện)