Đến thời điểm này, nhiều trường tiểu học trên cả nước đã chỉnh trang lại khuôn viên, sơn sửa lại các lớp học, phòng học, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón học sinh lớp 1 tựu trường.
Theo kế hoạch năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, lễ khai giảng năm học mới diễn ra vào ngày 5/9 như mọi năm. Học sinh có thể tựu trường sớm nhất trước 1 tuần, tức ngày 29/8. Riêng với lớp 1, các trường có thể tổ chức tựu trường sớm hơn ngày khai giảng 2 tuần, tức ngày 22/8.
Đảm bảo mọi điều kiện
Năm nay Trường Tiểu học Ba Đình (Hà Nội) có 160 học sinh lớp 1. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong ngày đầu tiên gặp gỡ của cô, trò và các bậc phụ huynh lớp 1, các em được làm quen, giao lưu với cô giáo và các bạn trong phòng học của mình. Các em được tìm hiểu về ngôi trường Ba Đình, về những điều các em cần chuẩn bị khi mình đã trở thành học sinh lớp 1.
Chị Nguyễn Bích Hạnh - phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Ba Đình cho biết, trước đó con rất háo hức, hồi hộp chờ ngày được đi học ở trường mới. Trong ngày đầu tiên đến trường vừa qua, con bỡ ngỡ nhưng cũng vô cùng thích thú khi sân trường được trang hoàng lộng lẫy với các nhân vật hoạt hình vui nhộn. Cô giáo tận tình, chu đáo đón con từ cổng trường. Phụ huynh được vào lớp cùng con, ban giám hiệu đến tận lớp chào đón, trò chuyện với học sinh rất ấm áp, tình cảm. “Tôi tin tưởng 5 năm tiểu học của con sẽ trôi qua với những kỷ niệm đáng nhớ vì được các thầy cô yêu thương, rèn giũa và quan tâm đầy ấm áp” – chị Hạnh chia sẻ.
Theo ghi nhận tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đều khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết để chào đón học sinh lớp 1 đến trường.
Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bên cạnh việc vệ sinh trường lớp sạch đẹp, nhà trường cũng quan tâm tới việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh sao cho an toàn, chất lượng.
Ngày 17/8 vừa qua, trường đã tổ chức buổi tập huấn hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường với sự chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia. Thầy cô được giới thiệu các mối gây ô nhiễm thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; những yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ; những yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm và bảo quản thực phẩm đúng cách… Một nội dung quan trọng trong buổi tập huấn là trao đổi cách phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, cách khắc phục sự cố an toàn thực phẩm và quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024, các nhà trường đều dự trù kinh phí mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học,cần thiết và chuẩn bị đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được việc giảng dạy, sẵn sàng chào đón năm học mới.
Giải pháp cho bài toán thiếu giáo viên
Tính đến hết năm học 2022 - 2023, theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021- 2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Dù số lượng giáo viên tăng lên song vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 – 2022.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 vừa diễn ra, bài toán thiếu giáo viên ở các cấp học đã được các địa phương chia sẻ. Trong đó, nguyên nhân chính là do số trẻ đến trường tăng thêm so với năm học trước trong khi việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp. Việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học.
Ngoài ra, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Chỉ ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao.
Theo ông Cường, trong thời gian tới, Bộ GDĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền. Bên cạnh việc hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế, các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa. Các địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần làm rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, đặc biệt các nơi như Hà Nội, TPHCM. Về việc tuyển dụng giáo viên, các địa phương thực hiện xác định số lượng người làm việc ở các cơ sở giáo dục để xây dựng định mức, số lượng biên chế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho giai đoạn 2022-2026. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguyên tắc “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp nhưng phù hợp”. Để làm được điều này, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần làm tốt bài toán về quy hoạch.