“Sạn” trong sách giáo khoa được nhắc tới nhiều trong 3 năm qua kể từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai.
Nhiều tranh luận trái chiều
Những ngày qua, bài thơ Bắt nạt, trích trong tập thơ Ra vườn nhặt nắng của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục gây nhiều tranh cãi gay gắt.
Nhiều phụ huynh, nhà văn, nhà thơ cho rằng, cách gieo chữ trong bài thơ lủng củng, tối nghĩa, từ ngữ nghèo nàn, ngôn từ không phù hợp với học sinh lớp 6 nhưng lại được đưa vào giảng dạy.
Cũng có ý kiến nhận định, bài thơ đưa ra chủ đề hay nhưng cách thể hiện chưa sắc nét. Những câu từ như “trêu mù tạt”, “nhảy híp hóp cho hay” bị nhận xét khá ngô nghê, không có giá trị về ý nghĩa.
Trước đó, năm 2021 khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 6, bài thơ “Bắt nạt” cũng nhận được nhiều lời khen chê.
Không riêng “Bắt nạt”, bài thơ “Con chào mào” của nhà thơ Mai Văn Phấn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng đang nhận nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, bài thơ tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên, gợi nhắc về sự tương tác giữa con người và tự nhiên. Qua đó, học sinh sẽ nhận ra con người không thể sở hữu tự nhiên, chỉ có thể sống hòa hợp, tương giao với vạn vật trong đó.
Tuy nhiên, bên cạnh lời khen, có không ít độc giả bày tỏ ý kiến không hài lòng. “Làm gì có con chào mào mũ đỏ”, “Triu… uýt… huýt… tu hìu…, văn thơ giờ đọc gượng hết cả mồm”, “Người lớn còn khó hiểu huống gì học sinh lớp 6”…, đây là bình luận của phần đông cư dân mạng.
Có giáo viên cho rằng, ngay cả với thầy cô cũng không dễ dàng để giải thích cho học trò những từ ngữ trong bài thơ như từ “triu”, từ “hìu” vì tra trong từ điển tiếng Việt cũng không thấy có 2 từ này.
Để thưởng thức các tác phẩm văn chương, mỗi người sẽ có một cảm nhận, khen - chê khác nhau. Song, nhận xét về những bài thơ trong sách giáo khoa mới đang gây tranh cãi những ngày qua, trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm cho rằng, đây là những “hạt sạn” của sách giáo khoa mới, trong khi trước đây có rất nhiều tác phẩm ý nghĩa lại không được chọn đưa vào giảng dạy cho học sinh.
Loại “sạn” thế nào?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Hiện sách giáo khoa được biên soạn theo phương thức mới bước sang năm thứ 4 được đưa vào giảng dạy ở các lớp 4, 8 và 11.
Điểm khác biệt lớn nhất của đổi mới sách giáo khoa lần này chính là việc sách giáo khoa được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa.
Tới thời điểm hiện tại, chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định thành công nhất định. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai chương trình, “sạn” trong sách giáo khoa luôn được nhắc tới nhiều.
Trước đó, khi chương trình mới thực hiện ở lớp 1, việc sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục dạy học cũng tạo một làn sóng tranh luận gay gắt.
Các đơn vị phát hành của các bộ SGK lớp 1 năm học 2020-2021 cũng đã từng thừa nhận có “sạn” trong những sản phẩm của mình và đưa ra phương án chỉnh sửa, khắc phục.
Dù qua nhiều vòng thẩm định, sau cùng mới được Bộ GDĐT phê duyệt nhưng chỉ đến khi SGK đi vào giảng dạy, những “hạt sạn” không đáng có mới được dư luận, phụ huynh phát hiện ra.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, khó có thể tạm dừng dạy học sinh những tác phẩm văn chương gây tranh cãi khi tác phẩm đó đã đưa vào sách giáo khoa.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự thông cảm với những người biên soạn sách giáo khoa nhưng theo quan điểm của ông, nếu làm theo cách biên soạn mở thì sách giáo khoa có thể khắc phục được những hạn chế.
Tức là, trước khi hoàn thiện sách giáo khoa, ban biên soạn có thể đưa thông tin các tác phẩm lên mạng, tham khảo ý kiến xã hội, chuyên gia, từ đó rút ra quyết định cuối cùng.
“Những người biên soạn sách không nên máy móc, kiên định quan điểm của mình về ngữ liệu. Cần tham khảo dư luận xã hội và nếu có ngữ liệu gây tranh cãi thì tạm thời loại bỏ. Sách giáo khoa phải là công cụ chuẩn chỉnh”, chuyên gia nêu quan điểm.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhắc lại thời điểm chuẩn bị bước vào năm học 2021-2022, năm chương trình mới triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bất ngờ thông báo hợp nhất từ 4 bộ sách giáo khoa ở lớp 1 thành hai bộ sách giáo khoa ở lớp 2. Điều này đồng nghĩa với việc, 2 bộ sách bị “xóa sổ” không thể sử dụng được nữa.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, đây là chuyện không tưởng. “Nếu sách giáo khoa có những sai sót, tồn tại không thể chấp nhận được, lọt “sạn” vào trường học thì ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận, tìm hướng khắc phục và xử lý những người có trách nhiệm liên quan”, GS Dong nhấn mạnh.
Năm học 2023-2024, có 9 khối lớp đang học theo chương trình, sách giáo khoa mới gồm lớp: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Như vậy, chỉ còn 3 khối lớp đang học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 gồm lớp: 5, 9 và 12. Theo lộ trình, 3 khối lớp này sẽ thực hiện chương trình mới từ năm học 2024-2025. Hiện Bộ GDĐT đang tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9 và lớp 12.