Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể thói quen du lịch của người Việt Nam. Khi thị trường tràn ngập Combo và Voucher ưu đãi, không chỉ giá cả mà mức độ an toàn mới là yếu tố được quan tâm.
Thị trường khởi sắc
Sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid, ngành du lịch Việt Nam đón nhận những tín hiệu khả quan. Một số địa phương trên cả nước đã lần lượt công bố mở cửa hoạt động du lịch, nhiều tỉnh và thành phố khác đang lên kế hoạch đón khách mà không ảnh hưởng tới thành quả chống dịch.
Các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng đã cho phép hoạt động du lịch trở lại sau chuỗi ngày dài không xuất hiện các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Một số địa phương xây dựng kế hoạch đón khách du lịch ngoại tỉnh đã tiêm 2 mũi vaccine và có xét nghiệm PCR trong 48 giờ - 72 giờ.
Tại Thanh Hoá, hai khu du lịch FLC Sầm Sơn và Pù Luông sẽ được đón khách toàn quốc từ tháng 10, các nơi khác dự kiến trong tháng 11. Bình Định cho phép đón khách nội địa từ 15/10 thay vì tháng 11 như dự kiến, đồng thời lên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế.
Với các điểm đến phía Trung và phía Nam, Côn Đảo dự kiến đón khách nội địa bằng hình thức thuê nguyên chuyến (charter), huyện Cần Giờ thí điểm mở tour du lịch khép kín, Phú Quốc chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin…
Nhiều đường bay nội địa đã được thí điểm mở trở lại với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ ngày: Hà Nội đi TP HCM, Đà Nẵng, hay TP HCM đi Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Phú Quốc,…
Nỗ lực khôi phục nền du lịch nội địa, các thương hiệu nghỉ dưỡng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại lớn để thu hút khách hàng. Nhiều combo du lịch giá rẻ, voucher nghỉ dưỡng giá rẻ được chào bán trên các diễn đàn, hội nhóm.
Giá phòng nghỉ từ các khách sạn cao cấp cũng ở mức ưu đãi 30 – 50% so với thông thường: Combo vé máy bay và lưu trú tại các khách sạn 4* và 5* Phú Quốc có giá quảng cáo từ 4,5 tới 5,5 triệu VND/ khách; Kỳ nghỉ 5* tại khu nghỉ dưỡng FLC chỉ 875.000 VND/ khách/ đêm, đã bao gồm 2 bữa ăn mỗi ngày và quyền lợi hoãn hủy miễn phí.
Không “săn deal” ồ ạt
Không thể phủ nhận rằng dịch Covid-19 đã tác động lớn tới thói quen du lịch của người dân trên toàn thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Du khách trở nên “khó tính” hơn và cẩn trọng xem xét nhiều yếu tố hơn trước khi đưa ra quyết định.
Chị Kiều Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Sau 2 tháng quanh quẩn trong nhà, gia đình mình cũng được đi biển. Di chuyển hoàn toàn bằng ô tô riêng, khai báo y tế đầy đủ tại chốt kiểm tra và điểm lưu trú là FLC Sầm Sơn.
Nhà mình lựa chọn villa biệt lập có bể bơi riêng hướng thẳng ra biển, được check-in riêng, ăn giãn cách ở nhà hàng. Các tiện ích như sân golf, khu vui chơi, spa… tại đây đều được bố trí khép kín trong khuôn viên rộng tới 200 hecta cách biệt khu dân cư, nhân viên phục vụ đã được tiêm phòng và luôn thực hiện các tiêu chí 5K. Không quá khó để thực hiện chuyến du lịch chủ động và an toàn trong thời điểm này, chỉ cần cả gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine”.
Có thể thấy, trong thời điểm “bình thường mới”, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Những “vùng xanh” với chuỗi nhiều ngày không ghi nhận ca mắc thứ phát trong cộng đồng đang là ưu tiên lựa chọn của khách du lịch Việt.
Đồng thời, những khu nghỉ dưỡng nằm cách biệt giữa thiên nhiên với cảnh quan rộng lớn, hệ thống phòng nghỉ và tiện ích giải trí, thư giãn khép kín đang đứng đầu trong top tìm kiếm trên các diễn đàn du lịch. Theo nhiều du khách, điểm lưu trú không những phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn 5K của Bộ Y tế và áp dụng hệ thống kiểm soát dịch nghiêm ngặt mà đội ngũ cán bộ nhân viên cũng cần được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và xét nghiệm định kì.
Bên cạnh đó, việc ồ ạt “săn deal” du lịch giá rẻ cũng không còn tái diễn vì giá cả không còn là yếu tố duy nhất để lựa chọn sản phẩm du lịch.
Khi thị trường tràn ngập ưu đãi từ kênh chính thống của thương hiệu nghỉ dưỡng và kênh cá nhân trong các hội nhóm, diễn đàn du lịch, khách hàng cần quan tâm tới nguồn gốc xác thực của thông tin. Cụ thể, du khách được khuyến cáo chỉ nên giao dịch với các kênh thông tin chính thức của khách sạn, đại lý du lịch và người bán hàng uy tín, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang” trước những cá nhân, tổ chức lừa đảo chuộc lợi.
Với những nỗ lực phục hồi du lịch từ phía địa phương và các doanh nghiệp, hi vọng sang quý IV 2021, du khách Việt sẽ ngày càng có nhiều cơ hội trải nghiệm du lịch an toàn trong thời “bình thường mới”.