Trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, hàng nghìn nhà máy ở Trung Quốc đã chuyển hướng sang một thị trường siêu lợi nhuận được ví như “máy in tiền” - sản xuất khẩu trang để xuất khẩu.
Công nhân tại một dây chuyền sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc hôm 26/3. (Ảnh: AFP).
Khi dịch Covid-19 ở Trung Quốc trong ở thời kỳ cao điểm hồi tháng 2, công ty của ông Guan Xunze đã quyết định thiết lập một nhà máy sản xuất khẩu trang mới chỉ trong đúng 11 ngày.
Nhà máy trên có 5 dây chuyền sản xuất đặt tại tây bắc Trung Quốc chuyên sản xuất khẩu trang N95, sản phẩm có nhu cầu vô cùng lớn trong bối cảnh các ca Covid-19 tăng vọt.
Khi Trung Quốc có dấu hiệu kiểm soát được tình trạng lây lan nội bộ virus SARS-CoV-2 trong nước, doanh nhân Guan làm trong ngành dược phẩm hiện đang “hốt bạc” từ các thị trường mới nhờ khẩu trang. Công ty ông đang xuất khẩu mặt hàng này sang Italia, nơi số người tử vong đã vượt qua Trung Quốc - nơi dịch khởi phát từ hồi năm ngoái.
Theo thống kê của nền tảng dữ liệu kinh doanh Tianyancha, trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc có khoảng 8.950 nhà sản xuất khẩu trang mới và họ chạy đua với thời gian để bù vào nhu cầu thiếu hụt khổng lồ mặt hàng này trên toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người nhiễm virus trên thế giới đã vượt trên 500.000 và nhu cầu về thiết bị bảo hộ tăng vọt, trong bối cảnh các nước đều đang phải đối phó với đại dịch.
“Máy sản xuất khẩu trang thực sự là một chiếc máy in tiền. Lợi nhuận từ khẩu trang bây giờ là vài cent so với chưa tới 1 cent trước đó. Sản xuất 60.000-70.000 khẩu trang mỗi ngày tương đương với việc in tiền”, ông Shi Xinghui, giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất khẩu trang N95 ở thành phố Đông Hoản, Quảng Đông cho biết.
Ông Qi Guangtu từ đầu năm đã đầu tư khoảng 50 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD) vào nhà máy sản xuất khẩu trang ở một khu công nghiệp tại Đông Hoản.
Nhà máy này liên tục sản xuất 24 giờ/ngày từ ngày 25/1 tới nay, 2 ngày sau khi Vũ Hán, Hồ Bắc tuyên bố phong tỏa để ngăn dịch lây lan.
“Thu hồi lại vốn (mua máy móc) chắc chắn không phải là vấn đề”, ông Qi nói. Ông hiện có 200 đơn đặt hàng, tổng trị giá 100 triệu tệ.
“Chỉ mất 15 ngày để kiếm lại tiền mua máy móc”, ông Qi cho hay.
Ngủ ở nhà máy chờ lấy dây chuyền sản xuất khẩu trang
Nhà sản xuất You Lixin chưa bao giờ bước chân vào một nhà máy sản xuất khẩu trang từ trước tới nay. Tuy nhiên, khi thị trường nóng lên, ông đã chớp lấy thờ cơ và đầu tư vào sản xuất mặt hàng máy móc dùng để sản xuất khẩu trang.
“Tôi chỉ ngủ 2-3 giờ mỗi ngày, khách hàng của tôi cũng thế”, ông You nói.
Đối tác của doanh nhân này thậm chí ngủ lại tại nhà máy, chờ đợi từng ngày để có thể mua được máy móc về nhằm bắt đầu quá trình sản xuất khẩu trang.
Một vài công ty trong số đó là các nhà máy dệt ở Ôn Châu, Chiết Giang. Họ đã chuyển qua làm khẩu trang khi nhu cầu thị trường tăng vọt.
"Họ đã có các đơn đặt hàng nhưng không đủ năng lực sản xuất. Sự hoảng loạn gia tăng khi dịch bệnh bùng phát", ông You cho biết.
Sự gia tăng của các dây chuyền sản xuất khẩu trang kéo theo giá cả vật liệu cũng tăng theo.
Theo ông Guan, giá vải đã tăng lên từ 10.000 tệ tới 480.000 tệ/tấn vào thời kỳ cao điểm.
Tuy nhiên, dù chi phí sản xuất tăng đến mức nào, lợi nhuận của ngành sản xuất khẩu trang vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo số liệu chính thức, một ngày Trung Quốc có thể sản xuất 116 triệu khẩu trang, và phần nhiều phục vụ nhu cầu từ khách hàng nước ngoài.
Ông Guan đã bán 1 triệu khẩu trang tới Italia trong khi ông Shi đang nhận 200 đơn hàng từ Hàn Quốc và các nước châu Âu. Ông Liao đang nghiên cứu thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Canada.
Ông Guan tỏ ra lạc quan về tương lai của ngành khẩu trang sau đại dịch.
“Hầu hết mọi người sẽ có thói quen đeo khẩu trang sau đợt dịch này”, ông nhận định.