Tại Công điện 517/CĐ-TTg, ngày 6/6, về thực hiện giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện. Rà soát các yếu tố phát sinh để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó, hoàn thành việc này trước ngày 10/6.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trong đó, EVN được giao tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. EVN có nhiệm vụ chỉ đạo và trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất...
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023.
Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua Công điện 517 của Chính phủ được coi là “cơn mưa giải nhiệt” rất đúng lúc, khi mà qua nắng nóng gay gắt kéo dài suốt hơn một tháng. Đặc biệt, miền Bắc phải chịu những trận “bão nhiệt” như đổ lửa, trong khi lại phải chịu thêm việc cắt điện luân phiên, khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, những vấn đề của EVN cũng đã làm nóng nghị trường. Đó là việc EVN đã tăng giá điện (tháng 5/2023) lại tiếp tục đề xuất tăng giá (tháng 9/2023). EVN báo lỗ kéo dài nhiều năm, trong khi các công ty điện lực thành viên lại lãi lớn. Trong lúc thiếu điện, phải nhập khẩu điện từ nước ngoài thì nhiều cơ sở sản xuất điện Mặt trời, điện gió lại không được EVN mua, không được đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia khiến các đơn vị này đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri và nhân dân đặt ra là: Là một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước nhưng vì sao EVN lại thua lỗ kéo dài? Nguyên nhân từ đâu? Ai phải chịu trách nhiệm? Giải pháp nào cung ứng đủ điện trong thời gian tới?
Từ đó, nhiều vị ĐBQH đề nghị làm sáng rõ những vấn đề của EVN. Trong đó, rất đáng chú ý khi ông Lê Thanh Vân (ĐBQH đoàn Cà Mau) đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây. Nhất là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi.
Theo ông Vân, EVN là một trong những thiết chế kinh tế trụ cột, có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có cả việc bảo đảm cung cấp điện sản xuất, cho quản lý và cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu điện và cắt điện sinh hoạt của người dân xuất hiện nhiều nơi trong cả nước.
“Việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ nhân dân. Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân của EVN không hoàn thành” - ông Vân nói.
Riêng chuyện báo lỗ của EVN, ĐBQH cho rằng EVN hiện đang trực tiếp quản lý khai thác một số nhà máy điện, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu và các nhà máy điện khác ở Tuyên Quang, Trị An, Ialy, Sê San…Về cơ bản, đến nay các nhà máy điện này đã hết khấu hao, không phải mất chi phí nguyên liệu đầu vào, chỉ việc khai thác và lãi, nên EVN nói lỗ là điều khó có thể chấp nhận. Từ đó, ĐBQH đề nghị cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc; sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện, để chấm dứt tình trạng độc quyền như hiện nay, bởi độc quyền sẽ dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện.
Sắp tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có một đợt thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương đối với EVN. Năm 2014, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về nhiều vi phạm của EVN. Hy vọng đợt thanh tra này (từ 1/1/2021 đến 1/6/2023), những tồn đọng (nếu có) của EVN cần phải được làm sáng tỏ; vì không thể để dòng điện “phập phù” như bấy lâu nay.