Ngày 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Thời gian thực hiện từ ngày 20/8 đến hết ngày 30/8/2022. Trước đó, các tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 548 ngày 2/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).
Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Tổ 2 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng. Tổ 3 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng. Tổ 4 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Tổ trưởng. Tổ 5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng. Tổ 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.
Giải ngân đầu tư công vốn vẫn là điểm nghẽn, đã không ít lần Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ và yêu cầu phải thúc đẩy tiến độ. Vì nguồn vốn từ đầu tư công là rất lớn, cần nhanh chóng giải ngân để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo sức bật cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động. Có thể dẫn chứng gần đây nhất, ngày 1/8, tại cuộc họp với Tổ công tác số 4 (gồm 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương), báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến 30/6/2022, giá trị giải ngân đạt khoảng 22.689 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch (thấp so với bình quân cả nước khoảng 29,1% kế hoạch, vào thời điểm đó).
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng có thể nói là tương tự ở các bộ, ngành, địa phương khác.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là do lúng túng, vướng mắc khi chuẩn bị đầu tư; vướng trong công tác giải phóng mặt bằng; Quy trình, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương dài (từ 1,5 - 2 năm) ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án; nhà thầu thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá từ nhà nước…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, thì vướng mắc chủ yếu vẫn ở khâu triển khai dự án. Trong đó, khâu chuẩn bị dự án chưa tốt nên ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.
Lần kiểm tra này của các Tổ công tác của Chính phủ hy vọng sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khi mà thời gian còn lại của năm 2022 không còn nhiều; kinh tế nước nhà đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh chung kinh tế thế giới đã phải hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát tiếp tục kéo dài.
Nhân câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến Chính phủ phải nhiều lần đốc thúc, phải lập các tổ công tác đi đốc thúc, xin được nói đến sự chậm chạp khác cũng lại là giải ngân. Đó là giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, người lao động; cho dù ngày 15/8 đã là hạn cuối tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ và mốc thời gian các địa phương đã cam kết hoàn thành trước 30/8.
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cập nhật thông tin về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến 17 giờ ngày 14/8 (có nghĩa là sau hơn 3 tháng triển khai), chỉ có 10 tỉnh thực hiện tốt việc giải ngân; 10 tỉnh làm chưa tốt. Trong số các tỉnh làm chưa tốt có: Bình Định (mới đạt 0,47%), Nghệ An (0,95%), Vĩnh Long (1,06%), Bắc Ninh (1,57%), An Giang (1,7%), Quảng Ngãi (2,35%), Thanh Hóa (2,53%), Thái Bình (2,81%), Lào Cai (3,41%), Nam Định (3,69%). Và còn duy nhất tỉnh Phú Yên chưa giải ngân tiền hỗ trợ cho người lao động.
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, trình tự, thủ tục thực hiện rất đơn giản nhưng các địa phương triển khai rất chậm, mà nguyên nhân chính là việc kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ.
Đương nhiên giải ngân vốn đầu tư công và giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, người lao động rất khác nhau, nhưng dẫu thế thì cũng chung chữ “giải ngân”. Đáng tiếc là cả hai cùng chậm cả. Không có tiền đã đành, nhưng Chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ tiền, lạ nỗi địa phương lại không giải ngân được, hoặc giải ngân rất chậm. Đó quả là việc khó hiểu cho dù giải thích thế nào đi chăng nữa.
Để xử lý việc này, nhiều ý kiến cho rằng phải “trói” trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương vào việc, để họ phải vào cuộc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc. Không thể chỉ vì sợ trách nhiệm, sợ sai mà “án binh bất động”. Đất nước còn nghèo, đồng tiền dành ra được để đầu tư công hay là hỗ trợ công nhân, người lao động đều thì đều đáng quý, đều là mồ hôi nước mắt cả. Vì thế, không thể để những đồng tiền ấy “nằm kho”, trong lúc xã hội trông mong từng giờ từng ngày.