Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Tránh gây phiền hà cho dân

Nguyên Khánh 10/08/2018 01:00

Sáp nhập là để nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước, “nhập gì thì nhập nhưng tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị toàn quốc góp ý kiến vào Dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 9/8.

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Tránh gây phiền hà cho dân

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Nên thực hiện sớm

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Việc sáp nhập sẽ tiến hành chủ yếu trong 2 năm 2019 và 2020. Theo đó, năm 2019 sẽ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đạt 50% của 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số. Tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến đơn vị hành chính và chính quyền địa phương các cấp. Năm 2020 hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số (hoàn thành trước tháng 3-2020), cấp huyện hoàn thành trước tháng 6-2020. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, quá trình sắp xếp, thu gọn không thu tiền khi tiến hành thay đổi về giấy tờ, hộ tịch khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cho nhân dân.

Góp ý kiến vào Đề án, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập xã, huyện Hà Tĩnh đã chủ động sáp nhập thôn. Theo đó, giảm 722 thôn và giảm trên 24 ngàn cán bộ. Hà Tĩnh cũng đã sắp xếp bộ máy công chức xã trên địa bàn và đã giảm được 600 cán bộ công chức ở xã. Đại diện Hà Tĩnh đề nghị, việc sắp xếp lại xã phải có quy hoạch, mục tiêu để phát triển kinh tế xã hội nâng cao hiệu lực hiệu quả của địa phương, do đó, phải điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch về kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện cho các đơn vị xã này phát triển. Về lộ trình thực hiện, đại diện Hà Tĩnh đề xuất, thực hiện sắp xếp luôn trong năm 2020 chứ không nên kéo đến năm 2021.

“Nên sớm sắp xếp, sáp nhập luôn trong năm 2020 - chậm nhất quý I năm 2020 phải xong”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nói. Và để thúc đẩy sắp xếp, sáp nhập, đại diện tỉnh Nghệ An cho rằng, sáp nhập các đơn vị hành chính cần đi kèm với phương án khoán cho cấp xã. Nếu không khoán sẽ có trở lực nhất định khi sáp nhập. Khoán thì số người ở lại làm có thu nhập tăng lên họ chủ động sắp xếp.

Sợ xáo trộn, gây bất lợi cho dân

Đồng ý sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là để tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước nhưng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư lưu ý, nếu chia cắt đơn vị hành chính không phù hợp sẽ là rào cản phát triển. Ông Tư cảnh báo, khó khăn trong thực hiện Đề án là sẽ gây xáo trộn, tác động đến người dân, doanh nghiệp nhất là vùng trọng điểm. Bởi, chỉ cần thay đổi địa chỉ trụ sở cơ quan hành chính thôi cũng là cả vấn đề. “Nhập gì nhập nhưng bớt gây bất lợi cho dân, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên cho rằng phải thận trọng với việc tách và nhập đơn vị hành chính vì đây không phải lần đầu đề cập chuyện tách nhập. “Trong lịch sử chúng ta từng tách nhập quá nhiều lần, lần nào lý thuyết cũng đều có lý cả”. Trong khi đó, nền hành chính muốn phát triển cần sự ổn định. Do đó, “phải thiết kế chính sách tổng thể để quản lý giúp phát triển, không nên nóng vội tách hay nhập. Mà đã là chính sách mang tầm vĩ mô không thể làm vội vàng” - ông Lê Hữu Khang nói. Vẫn theo ông Lê Hữu Khang, sau khi tính hết các yếu tố, nếu hiệu quả thì quyết làm. Nên làm xong trong năm 2020, đừng để kéo dài lê thê.

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Tránh gây phiền hà cho dân - 1

Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội.

Xử lý hợp tình hợp lý với cán bộ dôi dư

Về chế độ đối với cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập, ông Trần Văn Tư nêu rõ: Phải có nghị định hướng dẫn cho rõ ràng và thực hiện thống nhất. Đừng để mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Đặc biệt với những người xung phong nghỉ trước là có sự hy sinh, là đóng góp cho sự phát triển, nên trân trọng và hỗ trợ cho họ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp thực hiện được chủ trương này thì bộ máy gọn đi. Tuy nhiên, khi thực hiện phải có chính sách với cán bộ dôi dư, làm sao để những người xin nghỉ trước không tâm tư.

“Phải có chính sách đồng bộ với công tác cán bộ” - ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên nói. Theo đó có chính sách thôi việc với người nghỉ hưu sớm không? Có chính sách trợ cấp thất nghiệp và đào tạo dạy nghề cho người bị dôi dư sau khi sắp xếp lại hay không? Cần có lời giải thỏa đáng.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mục tiêu của Đề án là để tinh gọn bộ máy. Đây là công việc cần thiết, đúng đắn, vấn đề là biện pháp triển khai thế nào cho hợp lý để đạt được mục tiêu đó. Mục tiêu là làm tốt hơn cái hiện nay, nhân dân đồng thuận mới làm.

Không sáp nhập một cách máy móc, cơ học

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, Nghị quyết 18 nêu rõ, thu gọn hợp lý đơn vị hành chính cấp xã, giảm số lượng thôn, tổ dân phố, khuyến khích việc sáp nhập ở nơi có điều kiện để nâng cao năng lực quản lý điều hành và tăng cường các nguồn lực cho các địa phương, chứ không phải sắp xếp là để yếu đi.
Do vậy, từ nay đến 2021 sẽ tiến hành sắp xếp đơn vị chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số gồm 16 đơn vị cấp huyện, 637 đơn vị cấp xã. 2 tiêu chí này cũng chỉ là 2 tiêu chí quan trọng nhưng cần xem xét yếu tố đặc thù khác để cân nhắc cho kỹ lưỡng. Sáp nhập mà có lợi cho sự nghiệp đại đoàn kết thì phát huy, có yếu tố tiềm ẩn thì hết sức chú ý. Đánh giá phải toàn diện, thực tế chứ không đánh giá một cách máy móc. Sáp nhập nếu làm xáo trộn, ảnh hưởng quá thì không nên sáp nhập - Phó Thủ tướng nói.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, theo Phó Thủ tướng, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nói rõ, điều chỉnh địa giới lấy ý kiến dân, trên 50% dân đồng ý mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy thực hiện đúng quy định hiện hành là những vấn đề liên quan đến dân phải tôn trọng ý kiến nhân dân. Lấy ý kiến phải thực chất chứ nếu là đại cử tri chưa chắc đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân - Phó Thủ tướng lưu ý.

Về chế độ chính sách với cán bộ liên quan đến Đề án, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có chế độ chính sách cho cán bộ đã có đóng góp nếu nghỉ hưu sớm chứ không “vắt chanh bỏ vỏ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Tránh gây phiền hà cho dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO