Sáp nhập quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Cần sự đồng thuận của người dân

HOÀI VŨ (thực hiện) 06/08/2023 07:25

Thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới khi đối chiếu quy định hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 15% về diện tích đang nhận được quan tâm của dư luận xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nên hỏi ý kiến người dân, bởi cái gì cũng phải đạt được sự đồng thuận từ người dân.

PV: Thưa ông, là người nghiên cứu và làm việc ở Hà Nội nhiều năm, khi nghe thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập, tâm trạng của ông như thế nào?

PGS.TS NGUYỄN CHÍ MỲ: Đầu tiên tôi cảm thấy luyến tiếc. Bởi quận Hoàn Kiếm là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa ấn tượng. Đi đến đâu người ta cũng nhắc đến quận Hoàn Kiếm, trước hết là nơi có hồ Hoàn Kiếm gắn với sự tích vua Lê Lợi trả lại gươm cho Rùa thần. Và “Sự tích Hồ Gươm” chính là bản chất của sự yêu chuộng hoà bình, chứng minh rằng người Hà Nội, người dân Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh, cầm vũ khí. Khi kẻ thù xâm chiếm, buộc ta phải cầm vũ khí. Cầm vũ khí là để chiến đấu vì hòa bình. Và khi chiến thắng giặc thì trả lại gươm.

Không phải ngẫu nhiên năm 1999, UNESCO trao tặng cho Hà Nội là Thủ đô duy nhất của châu Á nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Vì thế khi nghe tin quận Hoàn Kiếm phải sáp nhập cá nhân tôi cảm thấy tiếc nuối và bâng khuâng.

Nhưng việc sáp nhập là thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích?

- Đúng là theo quy định của Nghị quyết thì phải thực hiện. Nhưng tôi muốn nói rằng, quy luật vẫn “nghèo” hơn sự kiện, và cuộc đời thì phong phú. Trong sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên thì việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến yếu tố đặc thù như: Văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, điều kiện giao thông, vị trí địa lý. Những tiêu chí này phải được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng. Hiện vấn đề của quận Hoàn Kiếm là mới rà soát đánh giá trên tiêu chí dân số và diện tích tự nhiên chứ chưa tính đến các yếu tố đặc thù. Và quận cũng chỉ không đáp ứng được vấn đề về diện tích dân số mà thôi.

Phải nói rằng mấy ngày qua không chỉ tôi mà đại bộ phận nhân dân khi nghe tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập thì cảm thấy rất tiếc nuối. Vì Hoàn Kiếm là nơi gắn với một vùng đất cổ nhất, thương mại, dịch vụ, kẻ chợ, có hồ Hoàn Kiếm. Có thể coi đây là “lãng hoa” của Thủ đô. Thủ đô là trái tim của cả nước thì Hoàn Kiếm chính là trung tâm, là “trái tim của Thủ đô”. Khi nói đến Hoàn Kiếm họ nhớ đến “trung tâm của trái tim” bên cạnh trung tâm chính trị là quận Ba Đình.

Xin nhắc lại rằng, hình ảnh mà người dân cả nước và bạn bè quốc tế nhớ nhất khi đến Hà Nội chính là quận Hoàn Kiếm nơi có hồ Hoàn Kiếm. Đây là quận trung tâm mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, nhất là dấu ấn Thăng Long-Hà Nội. Nếu sáp nhập chúng ta mất sẽ nhiều hơn là được. Cho nên không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm chỉ vì một tiêu chí không đạt.

Vậy theo ông cần “ứng xử” thế nào trước vấn đề trên?

- Hiện theo quy định thì quận Hoàn Kiếm không đáp ứng được tiêu chí về diện tích tự nhiên, còn dân số thì đủ điều kiện. Chỉ thiếu một tiêu chí về diện tích. Vì thế nên chăng lãnh đạo TP Hà Nội cần kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cần có một “cơ chế đặc thù”, bởi Thủ đô gắn liền với cả truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, anh hùng.

Theo tôi, chúng ta nên tham khảo ý kiến nhân dân. Nếu tất cả hay phần lớn nhân dân đồng tình việc nên để lại quận Hoàn Kiếm thì chúng ta nên để lại. Bởi chúng ta làm gì cũng phải vì dân, thì nên chăng cũng phải hỏi ý kiến nhân dân. Tại các nơi khác khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì cũng đều lấy ý kiến nhân dân trước khi sáp nhập. Cái gì dù nhỏ nhưng lợi cho dân, phù hợp với nguyện vọng tâm tư của dân thì nên tính chứ không nên bỏ qua.

Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Việt Khánh.

Thưa ông, hiện Hà Nội cũng đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Vậy làm sao để cho Thủ đô phát triển tương xứng về chính trị, kinh tế, và văn hoá?

Có nhiều phương thức để xử lý nhưng để hay nhất và phù hợp nhất, tốt nhất là ta nên hỏi ý kiến người dân. Cái gì cũng phải đạt được sự đồng thuận của người dân, để cho nhân dân đồng lòng, thấy rằng “ý Đảng nhưng hợp với lòng dân”. Có thể phỏng vấn trực tiếp hoặc lấy ý trực tuyến. Phát huy dân chủ phải chính từ thực hiện những cái gần gũi và thiết thực nhất với dân. Mấy ai đến Hà Nội mà không đến hồ Hoàn Kiếm - trung tâm của quận Hoàn Kiếm.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ

- Khi sửa Luật Thủ đô, lâu nay chúng ta hay nói phải nói luật tạo cho Thủ đô nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Nhưng theo đánh giá của tôi luật vẫn còn chung chung, do đó cần phải cụ thể hóa định hướng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cho nên sửa luật lần này phải tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển Thủ đô. Tạo điều kiện để Thủ đô thực hiện có hiệu quả các cơ chế đặc thù, vượt trội, và đột phá thì Thủ đô mới bật lên để phát triển được.

Tất nhiên các quy định cũng phải đặt trong Hiến pháp và các luật chung. Nhưng tôi cho rằng cần quy định sau này các quy định của các nghị quyết, luật khác mà khác so với Luật Thủ đô thì Quốc hội cho phép được thực hiện theo Luật Thủ đô. Có như vậy mới tạo được cơ sở pháp lý cho Hà Nội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô được thực hiện cơ chế đặc thù, vượt trội, và đột phá để phát triển. Vì Thủ đô là vì cả nước, và cả nước cũng phải góp sức vì Thủ đô.

Sự đột phá cần tập trung vào đâu, thưa ông?

- Khi nói đến đột phá dứt khoát phải là thể chế và phải hoàn thiện thể chế. Thứ hai là hạ tầng, thứ ba là nguồn nhân lực, con người. Con người của Thủ đô trong tình hình hiện nay phải đặc biệt chú ý đến yếu tố văn hóa. Làm sao cho văn hóa thực sự là nguồn lực để phát triển Thủ đô, rồi phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo. Theo tôi cần quan tâm đến các yếu tố trên.

Nhưng để cho con người có văn hóa thì giáo dục đào tạo của Thủ đô phải được coi trọng, bởi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Từ đó mới tạo ra được con người văn hóa. Ngay thể chế, cơ chế, luật pháp suy cho cùng cũng là do con người sinh ra, nên phải được thực hiện một cách khách quan. Do đó, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và văn hóa phải gắn với nhau. Văn hóa phải trở thành nguồn lực. Do đó trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, chúng ta phải phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa, chính là yếu tố con người.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo tiêu chí sắp xếp địa giới hành chính được nêu tại Nghị quyết 1211/2016 và Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến năm 2025, các tỉnh, thành cần hoàn thành sắp xếp huyện, xã có đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Cần sự đồng thuận của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO