Thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 và 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù thời gian chưa đầy 1 năm nhưng Hà Tĩnh đã triển khai khá đồng bộ, có bước đi và cách làm hợp lý trong công tác sáp nhập thôn, xã. Tuy vậy, qua thực tế còn nhiều điều cần tiếp tục tháo gỡ để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Bài 1: Những kết quả bước đầu
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra quá trình sáp nhập ở cơ sở.
Do lịch sử để lại và do nhận thức khác nhau ở từng vùng miền, từng giai đoạn nên quy mô đơn vị hành chính các cấp ở nhiều tỉnh trong cả nước khá chênh lệch. Đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh có quy mô nhỏ về diện tích, dân số; do đó là tỉnh có tỷ lệ số xã cần sáp nhập lớn nhất, gồm 80 đơn vị cần sáp nhập. Bởi vậy, đây là một sự biến động lớn về tư tưởng, tổ chức, kinh tế, xã hội…, đặt ra nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện.
Nhận rõ vấn đề, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Phải có quy trình, bước đi hợp lý, với tinh thần cầu thị, không nôn nóng nhưng không quá cầu toàn. Căn cứ vào quy định và các tiêu chí, trên cơ sở khảo sát, xem xét, cân nhắc các yếu tố về truyền thống, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, điều kiện địa lý…, từng cấp xây dựng Đề án sáp nhập”.
Lãnh đạo tỉnh giao Ủy ban MTTQ và các ngành, đoàn thể thành lập các đoàn xuống cơ sở để điều tra xã hội học, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó để giúp cơ sở bổ sung, hoàn thiện Đề án sáp nhập. Đồng thời qua đó kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các cấp những vấn đề hệ trọng như: lựa chọn phương án sáp nhập tối ưu, việc đặt tên xã, sử dụng cơ sở vật chất, giải quyết công nợ, mục tiêu về đích nông thôn mới đối với các xã sáp nhập chưa đạt tiêu chí, giải quyết cán bộ dôi dư, thủ tục hành chính phục vụ dân và hiệu quả hoạt động của các tổ chức sau sáp nhập.
Sau khi hoàn thành Đề án sáp nhập, các cấp đã tổ chức họp dân để công bố phương án, tiến hành phát phiếu lấy ý kiến của dân về chủ trương sáp nhập. Qua thực tế cho thấy nhân dân đều tán thành phương án sáp nhập với tỷ lệ từ 85-100%, chỉ có 1 xã tỷ lệ đạt 71%.
Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng:“Đã nhiều lần tách, nhập rồi, lần này thời gian triển khai ngắn, cận kề đại hội Đảng các cấp, do đó cần phải có chỉ đạo thống nhất, kế hoạch phải chi tiết, cụ thể và khoa học. Phải lường trước những thuận lợi, khó khăn; nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân dân để xây dựng phương án sáp nhập hợp lý”.
Đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành việc sáp nhập thôn/tổ dân phố theo Thông tư 04/2012/TT- BNV của Bộ Nội vụ, căn cứ vào Thông tư 09/BNV và thực tế tình hình để rà soát, điều chỉnh hợp lý. Trước thực hiện Thông tư 04, Hà Tĩnh có 2.837 thôn/ tổ dân phố, nay còn 2.115 thôn/tổ dân phố, giảm 25,5% số thôn. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trình Chính phủ phương án sáp nhập xã, số đơn vị cần sáp nhập là 80/262, tỷ lệ 30,5%. Sau sáp nhập sẽ hình thành 34 xã mới, giảm được 46 xã, toàn tỉnh còn 216 đơn vị hành chính cấp xã. Một số huyện có tỷ lệ sáp nhập cao là Đức Thọ 21/28, Thạch Hà 15/31, Hương Sơn 11/32.
Sau khi có Nghị quyết phê duyệt của Quốc hội, tỉnh đã tổ chức công bố Quyết định và chỉ đạo triển khai theo đúng lộ trình, phấn đấu từ ngày đầu năm 2020, đơn vị hành chính mới sẽ đi vào hoạt động.
Tổng số cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách tại các xã/thị trấn sáp nhập có 2321 người, trong đó có 760 cán bộ, 740 công chức và 817 người hoạt động không chuyên trách.
Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sáp nhập, nhất là việc bố trí cán bộ dôi dư, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho biết: Trong những năm tới, các cơ sở sáp nhập sẽ bố trí 2 Phó Bí thư, 2 Phó Chủ tịch UBND, 2 phó đoàn thể. Các đơn vị sáp nhập 3 xã có thể bố trí 3 Phó Bí thư, 3 Phó Chủ tịch UBND cho đến trước 2025. Tỉnh tạm dừng thi tuyển công chức vào cơ quan tỉnh và huyện để chuyển công chức xã lên nếu đủ điều kiện. Cùng với đó là giải quyết cho cán bộ nghỉ hưu đúng tuổi, hưu trước tuổi và chờ hưu hưởng nguyên lương, thực hiện chế độ thôi việc một lần với số tiền được nhận cao hơn chính sách của TW 1,37 lần.
Với những xã không sáp nhập nhưng cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi vẫn được vận dụng để điều chuyển số cán bộ dôi dư ở các xã sáp nhập. Quy trình bố trí cán bộ đơn vị sáp nhập hết sức chặt chẽ, đảm bảo công tâm, khách quan, trung thực. Giao cơ quan quản lý tổ chức cán bộ phải rà soát, đánh giá đội ngũ và thực trạng tổ chức bộ máy ở từng đơn vị; kết hợp với kết quả khảo sát, đánh giá của đoàn công tác và lấy phiếu đánh giá, xếp loại theo các tiêu chí 1,2,3,4… về kết quả thực thi công việc trong nhiệm kỳ, ý kiến của nhân dân ở khu dân cư để có phương án thống nhất báo cáo cấp ủy huyện.
Sau khi Thường vụ cấp ủy huyện có kết luận bước đầu về đánh giá tình hình, huyện chỉ đạo tổ chức họp cấp ủy của các xã sáp nhập để thông báo, thảo luận, tiếp tục giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các vị ủy viên Ban Chấp hành của các xã sáp nhập tiến hành bỏ phiếu về số lượng và cơ cấu bộ máy mới, bỏ phiếu giới thiệu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư. Ban Thường vụ Huyện ủy tổng hợp, phân tích và tiến hành bỏ phiếu thống nhất về số lượng, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự Ban Chấp hành và các chức danh chủ trì.
Thạch Hà là một huyện phải sáp nhập nhiều xã, song quy trình thực hiện khá bài bản và khoa học, được tỉnh đánh giá cao. Hiện nay, số xã sáp nhập cơ bản đã hoàn thành các bước để đơn vị hành chính mới sớm đi vào hoạt động.
Ông Trần Nhật Tân – Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Hà cho rằng “Sáp nhập xã có 4 cái được vô cùng ý nghĩa là: Nâng quy mô hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; tinh lọc được đội ngũ cán bộ; giảm được biên chế và tiết kiệm ngân sách”. Song ông cũng không khỏi băn khoăn vì thời gian triển khai qúa gấp gáp, gần kề với Đại hội Đảng các cấp; băn khoăn với một số cán bộ có năng lực nhưng không thể bố trí. Ông Tân cho rằng, Trung ương nên có chính sách cho địa phương một nguồn kinh phí để sử dụng số cán bộ này làm nguồn dự phòng.
(Còn nữa)