Chính trị

Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức: Tránh tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”

Việt Thắng 31/01/2024 07:44

Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức không chỉ nhằm phát huy năng lực sở trường mà còn phát huy được hiệu quả các vị trí việc làm đem lại, tránh thực trạng nhiều nơi bố trí nhân sự nhưng không làm được việc. Nhất là từ ngày 1/7/2024 bắt đầu trả lương gắn với vị trí việc làm. Nhằm giải quyết tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, công tác tuyển dụng, sắp xếp, đánh giá đóng vai trò rất quan trọng.

anh-cv.jpg
Ngành Giáo dục tiến hành sắp xếp hợp lý để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Ảnh: Quang Vinh.

Liên quan đến việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, căn cứ các Quyết định của Bộ Chính trị về biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giai đoạn 2022-2026.

Triển khai xây dựng vị trí việc làm còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (trong đó: Trung ương 146 người; địa phương 7.005 người).

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị); trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (tỷ lệ 0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (tỷ lệ 5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (tỷ lệ 18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (tỷ lệ 75,34%).

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều nơi còn mang tính cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến hiệu lực, hiệu quả và chất lượng cung ứng đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Công tác triển khai xây dựng vị trí việc làm tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn, bố trí những cán bộ, đảng viên có đức, có tài, thực sự vì Đảng, vì dân vào làm việc trong bộ máy Nhà nước. Bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý; các ngạch, bậc công chức, viên chức; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Khắc phục tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ ở không ít cơ quan, đơn vị.

Mặt khác cũng phải kể đến thực tế đang diễn ra đó là bộ máy của ta “tuy đông nhưng không mạnh”. Tình trạng vừa thừa - vừa thiếu cán bộ vẫn còn diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị. Thời gian vừa qua, câu chuyện thừa - thiếu giáo viên là một minh chứng rõ nét. Cùng đó, cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới.

anh-bai-tren.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu về công tác cán bộ, công chức, viên chức trước Quốc hội, ngày 27/10/2022. Nguồn: Quochoi.vn

Sắp xếp cán bộ gắn với đánh giá về “chất”

Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2024 sẽ thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; tham mưu giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.

Để khắc phục tình trạng thừa - thiếu cán bộ, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, Bộ Nội vụ cần đánh giá cơ cấu của từng cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương xuống địa phương để đánh giá thừa ở bộ phận nào, nguyên nhân thừa, nơi nào thiếu và nguyên nhân. Từ cơ cấu này để điều chuyển cán bộ một cách hợp lý.

Một yếu tố quan trọng, theo ông Mỳ, đó là sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị cũng như sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp cần giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Nếu tinh giản, sắp xếp không khoa học và hợp lý thì “thừa người yếu kém không làm được việc”, còn “thiếu người có năng lực, say xưa đóng góp cho công việc”. Từ việc xác định rõ nguyên nhân thừa và thiếu trên các phương diện để tính toán sắp xếp sao cho khoa học và hợp lý như việc tinh giản biên chế, căn cứ vào Đề án vị trí việc làm để sắp xếp, điều chuyển hợp lý để bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

“Bộ máy bắt nguồn từ con người. Con người liên kết với con người nằm ở yếu tố tổ chức, sắp xếp để bộ máy đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Con người chính là “chất” của một tổ chức, đơn vị, là yếu tố và liên kết các yếu tố khác tạo nên chất lượng cho bộ máy. Do đó khi tinh giản, hay sắp xếp phải quan tâm tới “chất” của cán bộ, tránh tinh giản nhầm hay bố trí sắp xếp công việc không đúng” - ông Mỳ bày tỏ.

Theo ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, hiện nay đang “thừa cán bộ không làm được việc, và thiếu cán bộ làm được việc”. Nguyên nhân này tồn tại từ trước đến nay do công tác đánh giá cán bộ, chế độ tiền lương, cơ chế khuyến khích cán bộ công chức làm việc, vị trí việc làm và trả lương đang bị cào bằng giữa người lao động tâm huyết sáng tạo với người lao động cầm chừng.

Theo đó, trong đánh giá cán bộ vào dịp cuối năm có tình trạng “dĩ hoà vi quý” nên đa phần là đều hoàn thành nhiệm vụ, nên không đưa ra khỏi bộ máy đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ. “Giải pháp quan trọng nhất là phải xác định được vị trí việc làm đối với từng bộ phận, con người trong bộ máy một cách chuẩn xác. Yêu cầu đặt ra đối với công việc đó phải trình độ thế nào? và họ được hưởng thu nhập ra sao? Còn ai không đáp ứng được đòi hỏi của vị trí việc làm thì phải đưa ra khỏi bộ máy để tuyển người mới, người có năng lực vào bộ máy theo nguyên tắc “có ra - có vào” - ông Xuyền bày tỏ.

“Cần bao nhiêu người? khối lượng bao nhiêu thì phải tính toán. Vì hiện giờ có những cơ quan đang rất nhiều việc, bị quá tải và họ cần phải bổ sung thêm biên chế. Trong khi có những cơ quan có thể giảm người do đã áp dụng khoa học công nghệ 4.0 vào trong quá trình làm việc. Như TPHCM đã đưa ra các giải pháp đánh giá cán bộ rất hay và cái mới cần nhân rộng đó là hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, cán bộ làm được những việc gì thì tự đánh giá, kê khai ra hiệu quả của từng công việc đó như thế nào? Trong 1 năm cộng vào là bao nhiêu việc? Nghĩa là hiệu quả của cán bộ công chức phải được thể hiện trên công việc cụ thể và từ đó mới xác định được người thừa, người thiếu và nhu cầu của bộ máy” - theo ông Xuyền.

Theo ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, hiện nay đang “thừa cán bộ không làm được việc, và thiếu cán bộ làm được việc”. Nguyên nhân này tồn tại từ trước đến nay do công tác đánh giá cán bộ, chế độ tiền lương, cơ chế khuyến khích cán bộ công chức làm việc, vị trí việc làm và trả lương đang bị cào bằng giữa người lao động tâm huyết sáng tạo với người lao động cầm chừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức: Tránh tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO