Nam Định là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023-2025, với kết quả giảm được 1 ĐVHC cấp huyện, 51 đơn vị cấp xã. Kể từ ngày 1/9/2024, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ĐVHC thực hiện sắp xếp ở tỉnh Nam Định đã đi vào hoạt động theo đơn vị mới.
Sắp xếp ĐVHC được đánh giá là công việc khó khăn, phức tạp, theo quy trình nhiều bước nhưng cần thiết, hướng đến nhiều mục đích, nhất là tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xử lý những vấn đề phát sinh, tỉnh Nam Định đã sớm hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này.
Thống nhất nhận thức, đồng thuận thực hiện
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định Trần Thị Kim Dung, ngay sau khi Trung ương ban hành chủ trương sắp xếp ĐVHC, hệ thống chính trị ở tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh hiểu rõ, mục đích, lợi ích, ý nghĩa của chủ trương, thống nhất nhận thức, đồng thuận, quyết tâm thực hiện.
Tháng 5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định ban hành chỉ thị riêng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương quan trọng trên ở địa phương; xác định lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong việc sắp xếp ĐVHC là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỉnh đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo các cấp do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư nhằm ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bản hành chính cấp huyện, cấp xã”, chỉ thị của Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh.
Đến giữa tháng 8 cùng năm, UBND tỉnh đã hoàn thành xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở tỉnh theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ;Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu; xác định cụ thể nội dung công việc, quy trình, lộ trình, tiến độ, thời điểm hoàn thành…
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt,tập trung của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2023), UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã ở địa phương.
Việc lấy ý kiến của nhân dân là cử tri ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp ĐVHC được các địa phương trong tỉnh thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kết quả lấy ý kiến cử tri ở các địa phương đều đạt tỷ lệ cao, từ 85% trở lên,nhiều địa phương đạt 100% cho thấy sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, thể hiện chất lượng phương án sắp xếp phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chủ trương sắp xếp ĐVHC cũng được HĐND các địa phương trong tỉnh thông qua với tỷ lệ tuyệt đối.
Đến đầu tháng 10/2023,UBND tỉnh đã xây dựng được Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025; được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về chủ trương.
Vận dụng các chính sách tốt nhất cho cán bộ thuộc diện dôi dư
Quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC có 2 vấn đề lớn cần có phương án xử lý phù hợp, đó là sắp xếp công việc, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư và xử lý trụ sở, tài sản công đôi dư.
Thống kê của Sở Nội vụ Nam Định cho biết, quá trình thực hiện sắp sếp ĐVHC, toàn tỉnh có gần 900 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc diện dôi dư, cần phải xử lý. Trong đó, có 24 cán bộ, công chức dôi dư sau khi huyện Mỹ Lộc sáp nhập vào TP Nam Định; 543 cán bộ, công chức cấp xã (327 cán bộ, 216 công chức) và 317 cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp 77 đơn vị cấp xã.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định Trần Thị Kim Dung, bị ảnh hưởng, xáo trộn công tác nên các cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp ĐVHC không tránh khỏi tâm tư. Do vậy, tỉnh xác định phải làm tốt công tác tư tưởng đối với những cán bộ, công chức thuộc diện này đồng thời vận dụng để các cán bộ,công chức dôi dư được hưởng những chế độ, chính sách tốt nhất, qua đó đảm bảo sự ổn định, đoàn kết trong nội bộ, quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Với tinh thần trên, theo ông Trần Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, đối với 24 cán bộ dôi dư sau khi huyện Mỹ Lộc sáp nhập vào TP Nam Định, tỉnh thực hiện điều chỉnh nội bộ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sau khi thực hiện sáp nhập. Số công chức dôi dư còn lại tiếp tục điều động dần về các cơ quan cùng ngành của tỉnh theo số biến động giảm (do nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, chuyển công tác,...) trong thời gian 5 năm.
Đối với số cán bộ, công chức cấp xã, phương án giải quyết dôi dư thực hiện trong nội bộ mỗi đơn vị huyện, thành phố. Trong đó, thực hiện điều động sang các ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp trong nội bộ huyện. Điều động dần thay thế số cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu đến tháng 9/2029 (kết thúc 5 năm lộ trình sắp xếp) tại các ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Cùng với đó là tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện; điều động về các đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện và thực hiện tinh giản biên chế.
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phương án giải quyết dôi dư của tỉnh, theo ông Dương là khuyến khích, động viên những người này nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế.
Về chính sách hỗ trợ giải quyết dôi dư, tỉnh áp dụng theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về tinh giản biên chế).
Ngoài ra, ngày 9/12/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND. Theo nghị quyết này, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã ngoài được hưởng chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ còn được hưởng chế độ của tỉnh.
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ thì được hỗ trợ ½ tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 30 tháng).
Đối với cán bộ, công chức cấp xã nghỉ sau 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ trước thì được hỗ trợ ¼ tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 12 tháng).
Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã thì số tháng được hỗ trợ tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành thì được hỗ trợ 3 tháng phụ cấp hiện hưởng (không tính phụ cấp kiêm nhiệm) và tiếp tục được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế (nếu đang thực hiện) theo quy định cho đến hết ngày 31/12 của năm mà người đó được giải quyết cho nghỉ công tác.
Thực tế áp dụng sau đó cho thấy, phương án bố trí và việc thực hiện các chế độ, chính sách trên ở Nam Định cơ bản đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư, không phát sinh những vấn đề nổi cộm, phức tạp.
Đối với việc xử lý trụ sở dôi dư, theo thông kê, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, toàn tỉnh Nam Định có 39 trụ sở dôi dư. Trước mắt, tỉnh Nam Định thực hiện xử lý theo phương án: trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục, y tế) trên địa bàn xã giữ nguyên hiện trạng, để không ảnh hưởng đến việc dạy, học của giáo viên, học sinh;không ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các trụ sở khác được kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.Thời gian xử lý là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.
Ghi nhận tại TP Nam Định cho thấy, sau khi thành phố được sắp xếp, mở rộng (sáp nhập thêm huyện Mỹ Lộc), trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố mới vẫn được đặt tại trụ sở trước đây của thành phố. Các phường mới của thành phố thường được sáp nhập từ 3 phường. Phương án xử lý của thành phố là lựa trọn trụ sở của 1 trong 3 phường cũ làm trụ sở của phường sáp nhập; 1 trụ sở dành cho Công an phường mới, 1 trụ sở dùng làm Trung tâm văn hóa-thể thao của phường mới. Phương án này cũng được áp dụng tại 8 huyện còn lại trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nam Định, việc TP Nam Định được sắp xếp, mở rộng vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước đột phá để thành phố phát triển KT-XH, phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử; phá thế kìm hãm bởi quy mô diện tích nhỏ, khắc phục những khó khăn, bất cập nhất là trong công tác quản lý kinh tế, quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dân cư; phát triển nguồn thu; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường… của một thành phố được thành lập từ hơn 100 năm trước.
Ông cũng cho biết, sau khi được sắp xếp đội ngũ cán bộ của thành phố sẽ được tinh giản, lựa chọn, sắp xếp lại, bố trí công việc phù hợp, đáp ứng ngay các yêu cầu đang chịu nhiều áp lực như: cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các dịch vụ hành chính công; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; quản lý đất đai; quản lý trật tự đô thị; quản lý dân cư...
Đảm bảo các ĐVHC mới hoạt động hiệu quả
Ngay sau khi các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đi vào hoạt động, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, nhân sự lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những ĐVHC mới.
Từ ngày 1/9/2024 (ngày đầu các ĐVHC mới đi vào hoạt động) đến nay, theo chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về kết quả, hiệu quả thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, tạo sự đồng thuận trong xã hội, làm cơ sở cho việc triển khai ở giai đoạn 2026-2030.
Tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, công việc để tất cả các cơ quan, đơn vị hoạt động đồng bộ, hiệu quả, tạo thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Rà soát các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách để điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với tên gọi ĐVHC mới.
Chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định, gắn với việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 và Đề án số hóa hộ tịch.
Rà soát, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị sau sắp xếp; khẩn trương giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư;xây dựng phương án quản lý, sử dụng hiệu quảtài sản, trụ sở.
Chuẩn bị tốt các công việc, điều kiện để tiến hành đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030.
Trước khi thực hiện sắp xếp ĐVHC tỉnh Nam Định có 10 ĐVHC cấp huyện (9 huyện, 1 thành phố), 226 đơn vị cấp xã. Sau khi sắp xếp, tỉnh giảm được 1 ĐVHC cấp huyện (còn 8 huyện, 1 thành phố); giảm 51 ĐVHC cấp xã, còn 175 đơn vị (146 xã, 14 phường, 15 thị trấn).
Trong đó, TP Nam Định co 21 đơn vị cấp xã (14 phường, 7 xã); huyện Vụ Bản có 14 đơn vị (13 xã, 1 thị trấn); huyện Ý Yên có 23 đơn (22 xã, 1 thị trấn); huyện Nam Trực có 18 đơn vị (17 xã, 1 thị trấn); huyện Xuân Trường có 14 đơn vị (13 xã, 1 thị trấn); huyện Nghĩa Hưng có 20 đơn vị (17 xã, 3 thị trấn); huyện Hải Hậu có 24 đơn vị (21 xã, 3 thị trấn); huyện Giao Thuỷ có 20 đơn vị (18 xã, 2 thị trấn).